Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 31/10/2024 07:20 GMT+7

Ươm “mầm xanh”, hái “quả ngọt”

Biên phòng - Những người “cha nuôi” mang quân hàm xanh nơi biên giới An Giang trong những năm qua vẫn miệt mài với sự nghiệp “trồng người”. Các anh vừa là người cha, vừa là người thầy ươm những “mầm xanh”, chắp cánh ước mơ cho những học sinh nghèo nơi biên giới. Sau 5 năm thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” và 2 năm thực hiện mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, các đơn vị BĐBP An Giang thực sự là “điểm tựa” nâng bước cho các em học sinh nghèo vươn lên trong học tập, nhiều em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trở thành trụ cột của gia đình, công dân có ích cho xã hội…

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Lạc Quới kèm cặp, hướng dẫn em Nguyễn Văn Duy Chương học tập. Ảnh: Chiến Khu

Ươm những “mầm xanh”…

Thiếu tá Nguyễn Văn Huy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Hữu, BĐBP An Giang cho biết: “Trong triển khai thực hiện chương trình, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường, gia đình trên địa bàn để tiến hành khảo sát, nắm bắt hoàn cảnh gia đình, tâm tư nguyện vọng của gia đình, lựa chọn học sinh nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng các học sinh đảm bảo đúng đối tượng, tạo được niềm tin, sự ủng hộ của chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình”.

Được biết, để thực hiện hiệu quả chương trình, các đơn vị BĐBP An Giang đã trực tiếp khảo sát, lập hồ sơ nhận nuôi, bố trí chỗ ăn, ở, sinh hoạt của các em phù hợp, chu đáo, có góc học tập riêng, có các đồ dùng và phương tiện sinh hoạt cần thiết. Hằng ngày, các em ăn ngủ, sinh hoạt theo chế độ như một chiến sĩ. Đơn vị cũng lập hồ sơ từng em, phân công cán bộ trực tiếp kèm cặp, hướng dẫn, giáo dục và chăm sóc các em tiến bộ, trưởng thành.

Không chỉ có vậy, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị còn phải kiên trì tuyên truyền, vận động các em học sinh bỏ học đến trường. Nhiều trường hợp, cán bộ đồn Biên phòng phải gặp gỡ cả đại diện chính quyền, nhà trường, gia đình và học sinh, vận dụng mọi phương pháp, kiên trì tuyên truyền, thuyết phục, phân tích rõ lợi ích của việc học tập, tác hại của việc thất học.

Điển hình như trường hợp gia đình em Kiều Thị Kim Huyền (sinh năm 2008, học sinh lớp 7A, Trường Trung học cơ sở Phú Hội), ngụ tại ấp Phú Trung, xã Phú Hội, huyện An Phú thuộc diện đặc biệt khó khăn. Ba của Huyền mất sớm sau cơn bạo bệnh. Gia đình em nghèo, không có đất canh tác, nhà cửa tạm bợ, dột nát. Mẹ em làm nghề buôn bán nhỏ, lại thường xuyên đau yếu. Ở nhà chỉ có mình em đảm đương mọi việc.

Huyền nhớ lại: “Có hôm, mẹ bị bệnh không làm gì được, em phải nghỉ học ở nhà chăm sóc mẹ. Hũ gạo ở nhà không còn gạo, em phải đi mượn bà con lối xóm để nấu cháo cho mẹ”. Trong năm 2019, Huyền đã có ý định bỏ học, nhưng nhờ sự động viên của thầy cô Trường Trung học cơ sở Phú Hội và cán bộ Đồn Biên phòng Phú Hội mà em tiếp tục đi học, vượt khó vươn lên trong học tập. Ước mơ của Huyền là cố gắng học tập thật giỏi để sau này trở thành bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo.

Cũng như các đơn vị khác thuộc BĐBP An Giang, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lạc Quới đã chủ động nhận nuôi cháu Nguyễn Văn Duy Chương (sinh năm 2013), học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Lạc Quới. Cháu Chương sống cùng bà ngoại Trần Thị Nhứt (79 tuổi), trú tại ấp Vĩnh Hòa, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Khi mẹ cháu Chương mang thai được khoảng 2 tháng thì ba cháu bỏ đi biệt xứ, đến khi sinh cháu được 8 tháng tuổi thì mẹ cháu mất, cháu ở với bà cho đến nay. Cuộc sống của hai bà cháu thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Trong hoàn cảnh đó, gia đình bà Trần Thị Nhứt đã được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lạc Quới giúp đỡ. Đơn vị đã thành lập quỹ cho con nuôi từ nguồn đóng góp của chỉ huy, cán bộ đơn vị. Hiện nay, tổng số tiền quỹ gần 40 triệu đồng. Đồn còn vận động chính quyền địa phương cấp đất ở, vận động đơn vị kết nghĩa xây dựng được căn “Nhà tình nghĩa” khang trang cho bà Nhứt. Hằng tháng, Đồn Biên phòng Lạc Quới còn trích gạo từ “Hũ gạo tình thương” khoảng 10kg để hỗ trợ bà Trần Thị Nhứt. Khi bà Nhứt đau yếu đều có cán bộ quân y của đồn đến khám, chữa trị.

Trong ngôi nhà mới, bà Nhứt nghẹn ngào chia sẻ: “Cháu Chương mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tôi thì già yếu rồi. Bà cháu tôi sống trong túp lều, không biết nương tựa vào đâu, may mà được các chú Biên phòng giúp đỡ. Nay tôi đã có nhà mới khang trang, cháu tôi được ăn học đầy đủ. Cuộc đời bà cháu tôi sang trang mới. Tương lai cháu Chương gửi gắm cả vào cán bộ, chiến sĩ Biên phòng. Tôi mang ơn các chú nhiều lắm!”.

…Hái nhiều “quả ngọt”

Nhờ sự quan tâm phối hợp thường xuyên giữa chính quyền, nhà trường, đồn Biên phòng, gia đình trong giáo dục, bồi dưỡng các em học sinh trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, có nhiều em đã đạt được những kết quả tích cực trong học tập, năm sau cao hơn năm trước.

Nổi bật nhất là em Nguyễn Thị Kim Ngân, học sinh lớp 8A2, Trường Trung học cơ sở Phú Hữu, huyện An Phú. Từ khi được Đồn Biên phòng Phú Hữu nhận đỡ đầu, em liên tục đạt danh hiệu học sinh xuất sắc dẫn đầu các khối lớp và toàn trường. Đến nhà Kim Ngân để tặng quà em nhân dịp năm học mới 2021-2022, trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ, chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi hơn 30 danh hiệu, Giấy khen, Bằng khen được treo trang trọng, ngăn nắp ở hai bên vách tường. Kim Ngân thổ lộ: “Gia đình em khó khăn lắm. Em từng nghĩ đến việc bỏ học giữa chừng. May nhờ có các chú Biên phòng đỡ đầu, em có thể chuyên tâm vào việc học tập, thực hiện ước mơ trở thành cô giáo để dạy học cho các em nhỏ quê mình”.

Những nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã thu hái những “quả ngọt” đầu tiên, đó là kết quả học tập ngày càng tiến bộ của các em, trong đó, nhiều em thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học, dần hiện thực hóa giấc mơ của các em và gia đình.

Đại tá Phạm Văn Phong, Chính ủy BĐBP An Giang cho biết: “Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” là việc làm hết sức thiết thực, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, làm cho các em học sinh càng tin yêu bộ đội, thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó quân dân, tô thắm thêm hình ảnh người chiến sĩ mang quân hàm xanh trong lòng chính quyền, nhân dân nơi biên giới”.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương đưa em Trần Duy Phương, là con nuôi của đơn vị đến trường. Ảnh: Chiến Khu

Sau 5 năm thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” và 2 năm thực hiện mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang đã phát động toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị trích tiền lương, phụ cấp, quỹ tăng gia sản xuất và vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên địa bàn hỗ trợ 62 em theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”, trong đó có 11 em mồ côi cha hoặc mẹ, 10 em mồ côi cả cha lẫn mẹ; nhận nuôi 5 em học sinh theo mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”...

Chiến Khu

Bình luận

ZALO