Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 31/10/2024 07:21 GMT+7

Ươm màu xanh trên vùng đất khó

Biên phòng - “Thôn này, ai còn lạ gì anh Ba Quyết, anh Giang, anh Đông… Người dân biết ăn, ở đảm bảo vệ sinh, biết trồng lúa nước, dừa xiêm, biết chăn nuôi lợn cũng là nhờ các anh Biên phòng đó. Tôi đây, biết được cái chữ cũng là nhờ thầy giáo Giang” – Ông Cao Văn Đen, Bí thư Chi bộ thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận vừa nói, vừa cười hỉ hả.

ndch_10a
Cán bộ Đồn Biên phòng Vĩnh Hải thường xuyên bám dân nắm tình hình đời sống người dân thôn Cầu Gãy. Ảnh: Phương Tú

Đưa con chữ lên với đồng bào Rắc Lây

Chở tôi men theo con đường vòng vèo vào thôn Cầu Gãy, xuyên qua những vườn điều xanh mướt, Thiếu úy Bùi Đức Huy, Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, BĐBP Ninh Thuận cho hay: “Em sẽ đưa chị tới nhà chú Cao Văn Đen - một người Raglei luôn tích cực đi đầu trong các phong trào”.

Đón chúng tôi tại nhà Bí thư Đen có Trung tá Nguyễn Văn Giang, cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Vĩnh Hải -  người con của đất Hải Dương vào đây lập nghiệp. Bên chén trà nồng ấm, trong căn nhà rợp bóng dừa xiêm, Bí thư Đen vui vẻ chào đón: “Anh Huy thì mới gặp vài bận, chứ anh Giang thì qua lại thôn mấy chục năm rồi, như người nhà của bà con trong thôn vậy”.

Nhắc đến anh em BĐBP, Bí thư Đen bồi hồi: Từ năm 1994, khi bà con thôn Cầu Gãy còn chưa sinh sống tập trung, cán bộ Đồn Biên phòng Vĩnh Hải tới đây khám chữa bệnh, dạy chữ. Sau đó, cán bộ đồn còn cùng chính quyền địa phương vận động bà con về ở tập trung, xây trường lớp, xây cơ sở hạ tầng để bà con thuận lợi trong di chuyển và lao động sản xuất. 

Góp thêm vào câu chuyện của ông Đen, Trung tá Nguyễn Văn Giang chia sẻ: Từ năm 1994 đến 2002, đường lên thôn Cầu Gãy chưa có, chủ yếu là lội suối. Trường lớp không có nên không có giáo viên nào trụ lại. Trước đó đã có một số anh em Biên phòng, sau đó đến Trung tá Giang được đơn vị phân công lên với Cầu Gãy dạy chữ. Ban ngày dạy các cháu nhỏ, ban đêm dạy lớp xóa mù cho người lớn. 

“Cũng cực lắm vì đường khó, đêm tối không thể đi về, điều kiện sinh hoạt tại thôn lại thiếu thốn. Bà con Rắc Lây khi ấy ăn không đủ no, nghĩ gì tới việc học. Anh em phải kiên trì thay nhau tới nhà vận động bà con cho con em tới lớp. Sau gần chục năm có BĐBP dạy chữ, đã có thêm hơn 200 người Raglei ở Cầu Gãy biết chữ. Có gia đình cả 2 thế hệ biết đọc, biết viết là nhờ BĐBP...” - Trung tá Giang cho hay.

Cùng bà con đuổi “giặc” đói, nghèo

Ngay trong những tháng ngày bám thôn, dạy chữ, vận động bà con về ở tập trung, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đồn Biên phòng Vĩnh Hải sớm nhận ra những hạn chế khiến đồng bào Raglei sớm tối trên rẫy mà vẫn đói, vẫn nghèo. Một bộ phận đồng bào phải dựa vào rừng để sống, nguy cơ tàn phá rừng là không nhỏ. Đồn Biên phòng Vĩnh Hải chủ động tham mưu cho Bộ Chỉ huy BĐBP Ninh Thuận và huyện Ninh Hải xây dựng, thực hiện Đề án “Xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững cho đồng bào Raglei” ở 2 thôn Đá Hang, Cầu Gãy của xã Vĩnh Hải. 

Nhắc tới đề án được xem như “cú hích” trong việc thay đổi tư duy, cách làm kinh tế của đồng bào Raglei ở Vĩnh Hải, Bí thư Đen nhớ lại: Khi triển khai đề án, Đồn Biên phòng Vĩnh Hải đã rất tích cực phối hợp với huyện Ninh Hải khảo sát thực tế thổ nhưỡng ở thôn rồi tham mưu cho huyện thực hiện các mô hình phát triển kinh tế như: Trồng lúa nước, trồng dừa xiêm, nuôi dê, nuôi bò, trồng cây ăn trái... Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, đến nay, đàn bò bà con được hỗ trợ trước đây đã sinh sản thêm 30 con, nâng tổng số đàn bò của dự án thành 80 con; dê thêm 22 con, thành 42 con. Ngoài 8,5ha trồng lúa nước, người Raglei ở Cầu Gãy, Đá Hang nay còn trồng thêm nhiều dừa xiêm, mít, xoài, đu đủ, chuối... Bà con 2 thôn không chỉ có thêm thu nhập, mà còn hết hộ đói, bớt đi những hộ nghèo.

zage_10b
Cán bộ Đồn Biên phòng Vĩnh Hải trao đổi với ông Cao Văn Đen về mô hình sinh kế của đồng bào trong thôn. Ảnh: Phương Tú

Là người theo sát đề án từ những ngày đầu tiên, Trung tá Giang nhớ rõ từng nhà, tên từng hộ ở Cầu Gãy, Đá Hang. Vì thế nên tôi không ngạc nhiên khi theo anh đi tới đâu, bà con cũng thăm hỏi anh vồn vã. Trò chuyện trước cửa ngôi nhà do BĐBP góp công, góp sức xây dựng, ông Mấu Văn Mít xúc động chia sẻ: “Trước kia gia đình ở trong ngôi nhà đất, chật chội, ẩm thấp. Nay nhờ có BĐBP, gia đình đã có nhà xây để ở, có quạt, có ti vi để dùng... Biết ơn cán bộ Biên phòng nhiều lắm”.

Ông Mít chỉ là một trong số rất nhiều hộ ở Cầu Gãy được nhận nhà do Đồn Biên phòng Vĩnh Hải xây tặng. Những năm qua, hàng trăm lượt CBCS Biên phòng đã cùng đồng bào địa phương xây dựng được 13 ngôi nhà ở và 25 ngôi nhà “Mái ấm người nghèo cho đồng bào biên giới, hải đảo”, tu sửa hơn 100m đập Gia Cừm...

Đặc biệt, với sự giúp đỡ vô tư, tận tình của CBCS Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, tình cảm của người dân Raglei với bộ đội ngày càng gắn bó; công tác tuyên truyền, vận động bà con nghiêm túc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương do Đồn Biên phòng Vĩnh Hải triển khai nhờ đó cũng thuận lợi hơn. Bà con từng bước nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực tham gia phối hợp cùng BĐBP trong bảo vệ chủ quyền vùng biển, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Đến xã Vĩnh Hải đúng tháng gió, mới thấm thía sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đây. Vậy nhưng, chính trong cái nắng chói chang, gió ràn rạt thổi như thế, mới thấu hiểu sự dày công của CBCS Đồn Biên phòng Vĩnh Hải trong hành trình làm cho nhiều loại cây trồng bén rễ, xanh tốt tại các thôn làng của đồng bào Raglei. Với riêng Trung tá Giang, anh đã xây dựng gia đình riêng ngay tại Vĩnh Hải. Anh sẽ là người cán bộ Biên phòng được ở đây, chứng kiến những thành quả mà CBCS Đồn Biên phòng Vĩnh Hải đã góp công gây dựng nên bằng tuổi thanh xuân, bằng cả trái tim đầy nhiệt huyết của mình.

“Mỗi khi bắt đầu một mô hình mới, cán bộ đồn Biên phòng thường xuyên xuống hướng dẫn, đốc thúc, vận động bà con ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Bà con làm còn chậm, nhưng BĐBP kiên trì lắm, nói đến chừng nào bà con hiểu thì thôi...” - Ông Đen bộc bạch. 

Phương Tú

Bình luận

ZALO