Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 31/10/2024 07:20 GMT+7

“Uy lực” giữa Biển Đông

Biên phòng - Thời gian gần đây, nghề mành chụp trên các tàu to, máy lớn, công nghệ cao để khai thác thủy sản xa bờ, là bước tiến nhảy vọt của ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ nói chung và Khánh Hòa nói riêng. Nghề này đã giúp ngư dân đủ sức bám biển dài ngày và cạnh tranh với những chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc xâm phạm vùng biển của nước ta.

q29z_11a
Ông Lê Văn Quyền - “cha đẻ” nghề mành chụp hiện đại ở Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận

Bài 1: “B52 trên biển”

Từ lâu, ngư dân Việt Nam đi khai thác xa bờ thường “sợ” ánh sáng của tàu đánh cá Trung Quốc “hút” cá về phía họ. Bây giờ, ngư dân Khánh Hòa đã đóng những chiếc tàu to, hiện đại, ánh sáng tỏa rộng, được xem là “uy lực” giữa Biển Đông.

Cảng cá Hòn Rớ, thành phố (TP) Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa luôn nhộn nhịp tàu thuyền đánh cá xa bờ về cập cảng. Tôi thấy “lạ mắt” khi mấy chiếc tàu có rất nhiều loại bóng đèn pha cao áp, hai bên mạn tàu có 4 cần sắt dài giống như cần xe cẩu, kèm theo nhiều loại dây chằng chịt. Ông Bùi Văn Trung, ở TP Nha Trang đứng trên boong tàu giải thích với tôi:

- Đây là chiếc tàu nhựa (vật liệu composit) đóng theo dự án 67 (Nghị định 67) tổng trị giá 19 tỉ đồng, toàn bộ các thiết bị trên tàu đều mới toanh, chuyên làm nghề mành chụp.

- Năm ngoái, mấy chiếc tàu cá composit hạ thủy tổng trị giá chỉ 8-10 tỉ đồng, sao nghề này đội giá cao thế? - Tôi hỏi.

- Nghề mành chụp buộc phải sắm những thứ đắt tiền, ví như chỉ cái máng điện có “bốn mắt” đèn lét nhỏ xíu với giá 8 triệu đồng, hai bên mạn tàu có 3 - 4 tầng bóng điện, chạy bao quanh tàu, gần 500 bóng điện.

- Tàu của anh đã lớn nhất vùng này chưa?

- Tàu tôi vẫn thua tàu của ông Bảy Ngọc, ông đóng chiếc tàu trị giá 25 tỉ đồng, trên tàu có 7 cái máy nổ, hiện đại nhất Việt Nam(?). Mỗi khi ra khơi, tàu của các ông đi thành một biên đội tàu đủ sức cạnh tranh với tàu cá Trung Quốc. Có những chuyến biển, chỉ một chiếc tàu, ông đã trúng cả tỉ đồng.

Người đầu tiên trên thế giới đặt hàng chục tấn sắt lên tàu composit

Chủ tàu cá Bảy Ngọc nổi tiếng ở vùng biển Nam Trung bộ, tên khai sinh là Lê Văn Quyền, sinh năm 1972, phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang. Trước đây, Bảy Ngọc làm “thợ đụng”, ai thuê cái gì thì làm cái đó, từ đạp xích lô, bốc vác, cơ khí..., rồi quay ngược ra Quảng Bình làm thuê nghề đi biển.

“Những năm 1990, dân khai thác biển Quảng Bình khi đó còn dùng đèn măng sông, thấy vậy, tôi cầm motor phát điện và bóng đèn tuýp từ Nha Trang ra lắp vào thuyền, chạy thử. Đèn điện sáng làm tăng sản lượng, nhiều người đến nhờ tôi chuyển motor ra lắp cho họ, dần dần lan rộng ra cả vùng” - Ông Bảy Ngọc nhớ lại.

Chính người dân Quảng Bình đã sử dụng mành chụp từ lâu, nhưng thuyền và lưới rất nhỏ, chỉ đánh ven bờ. Tích góp được chút vốn, ông Bảy Ngọc sắm chiếc tàu công suất 30CV chạy ra Quảng Bình đánh bắt. Làm được thời gian ngắn, ông bị thất bại hoàn toàn, phải quay lại con đường đi làm thuê như ngày nào.

Một ngày, Bảy Ngọc quyết định đi sang Trung Quốc học cách phát triển mành chụp. Ông nhớ lại: “Tôi đã đến tận cảng cá của Trung Quốc, chỉ đứng trên bờ quan sát những chiếc tàu mành chụp của họ to tướng, dây và bóng điện treo chằng chịt. Về Nha Trang, tôi sắm chiếc tàu gỗ dài 15m làm mành chụp, về kết cấu cũng giống như tàu của Trung Quốc, làm được thời gian ngắn đành phải bán đi, vì nó không phù hợp. Tiết kiệm nên dư ra số vốn, tôi sắm chiếc tàu khác dài 23m, thời điểm đó được xếp hạng lớn nhất vùng”.

Sở hữu tàu to, ông đã nỗ lực sản xuất trên biển. Sau 1 năm, ông Bảy Ngọc dư vốn lần lượt mua thêm chiếc tàu thứ 2 (năm 2012) và chiếc tàu thứ 3 (năm 2013). Năm 2014, ông đầu tư mua lại chiếc tàu composit câu cá ngừ đại dương cũ, cải hoán thành chiếc tàu nghề mành chụp.

dtln_11b
Chiếc tàu trị giá 25 tỉ đồng của ông Bảy Ngọc, chuyên làm nghề mành chụp.  Ảnh: Hải Luận

Con tàu mơ ước

Đã nếm đủ mùi vị thất bại và thành công, thực tiễn đã “dạy” cho ông Bảy Ngọc kiến thức đóng tàu, khai thác biển, thị trường tiêu thụ sản phẩm, xử lý những biến cố xảy ra trên biển... Năm 2016, Bảy Ngọc quyết tâm đóng chiếc tàu hoàn hảo. Trên tàu có tổng cộng 7 máy, trong đó, 1 máy chính do Mỹ sản xuất với công suất trên 1.200CV, 4 máy phát điện, 2 máy chạy đông lạnh. Trong buồng lái có 2 máy dò cá, 4 máy bộ đàm đường dài, máy radar, định vị...

“Để hoàn thành con tàu này, tôi phải mất 2 năm thường xuyên để mắt giám sát mọi quy trình đóng tàu. Các bộ phận của thân tàu tôi đều làm dày và chắc chắc hơn của người khác. Theo dự toán được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt thì giá một con tàu như vậy là 18 tỉ đồng; nhưng thực tế, tàu của tôi đã đội giá lên 25 tỉ đồng” - Ông Bảy Ngọc tự hào.

Tại sao các tàu khác họ chỉ sắm 2 cái máy phát điện, nhưng tàu anh lại chơi đến 4 máy cho nên đội giá thành cao lên? - Tôi đặt vấn đề.

- Mấy lần thất bại đắng cay trong nghề biển của tôi trước đây đều bắt nguồn từ tàu nhỏ và ánh sáng điện yếu. Nghề mành chụp chủ yếu dựa vào ánh điện, anh nào có độ sáng hơn sẽ “hút” cá về tàu của họ. Khi gặp đàn cá lớn chạy, mình phải tăng hết công suất hoạt động các loại máy chạy, khi đó mới kịp chụp được đàn cá. Còn máy mình yếu là thua rồi. Bình thường thì để 2 máy dự phòng.

- Mấy ông kỹ sư nhà máy đóng tàu tư vấn cho anh đóng tàu nhiều tiền thế sao?

- Mấy ông nhà máy chỉ làm theo lý thuyết và công thức có sẵn, nên không “vẽ” ra nhiều tiền được. Còn tôi làm theo cách một ông chủ, một ông thuyền trưởng, các hạng mục trên chiếc tàu đều xuất phát từ thực tiễn đánh bắt ngoài khơi xa, sức chịu đựng sóng gió, cách bảo quản sản phẩm đạt chất lượng cao.

Ví dụ, mỗi cần gông (cần thả lưới) dài 25m, trên tàu có 4 cần (trước mũi 2, lái 2), mỗi khi nó xòe ra hai bên rộng gần 60m (tính cả chiều rộng của tàu) nhìn giống như chiếc máy bay B52 trên biển. Cần gông nó là chủ lực nên phải làm chắc chắn để giữ thăng bằng chiếc tàu, đủ sức kéo dàn lưới lớn căng xòe ra giống như cái chài, khi đó mới chụp được nhiều cá. Cơ cấu giàn cẩu phải làm vượt sức tải trọng bình thường của nó. Giả sử trúng mẻ cá 50-60 tấn cá, mình dễ bề xoay xở.

Bài 2: Đánh bắt chủ động

Hải Luận

Bình luận

ZALO