Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 11:13 GMT+7

Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc

Biên phòng - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Mùa Xuân năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Kể từ đó đến nay, mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với vai trò của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Ngày 28/8/1945, Đoàn Giải phóng quân ở Việt Bắc về duyệt binh ở Quảng trường Nhà hát Lớn (Hà Nội). Ảnh: Tư liệu

Trước năm 1930 khi chưa có Đảng, đất nước ta nằm dưới ách thống trị, áp bức hơn 80 năm của chủ nghĩa thực dân Pháp và hàng nghìn năm của chế độ phong kiến. Các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc với nhiều khuynh hướng, giai cấp khác nhau đã liên tiếp nổ ra nhưng đều thất bại do thiếu một đường lối chính trị đúng đắn soi đường. Ngay từ những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, lãnh tụNguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã có sự lựa chọn đúng đắn khi khẳng định con đường đi đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Chỉ có phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân liên minh với giai cấp nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam trong hành động cách mạng, kiên trì mục tiêu đấu tranh giành độc lập dân tộc, tiến lên CNXH là giành được những thắng lợi vẻ vang.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước đã đồng loạt đứng dậy tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng Tháng Tám thành công mau lẹ là do nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng, có ý nghĩa quyết định đó là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta.

Cách mạng Tháng Tám thành công chưa được bao lâu, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời được 21 ngày thì thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Nam Bộ.Sau đó, chúng khiêu khích tiến công ra Hải Phòng, Lạng Sơn rồi Thủ đô Hà Nội. Đêm 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định phát động kháng chiến trên quy mô cả nước. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm, mở đầu bằng tiếng súng Nam Bộ kháng chiến ngày 23/9/1945 là một bản anh hùng ca của nhân dân ta. Với đường lối cách mạng đúng đắn, với nghệ thuật lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với ý chí “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, nhân dân ta đã chiến đấu kiên cường, để cuối cùng đi tới chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước đế quốc thực dân hùng mạnh.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, nhưng một nửa đất nước từ vĩ tuyến 17 trở vào vẫn nằm dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm, đã phải trải qua nhiều thời kỳ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh và các âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và tay sai: “Tố cộng, diệt cộng”, “Dồn dân lập ấp chiến lược”, “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Chiến tranh phá hoại miền Bắc”, “Việt Nam hóa chiến tranh”… Với ý chí quyết chiến quyết thắng, Đảng ta đã lãnh đạo quân và dân ta kết thúc cuộc kháng chiến bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chỉ trong 55 ngày đêm, quân và dân ta đã giành toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên theo con đường CNXH.

Trong những năm đầu sau chiến tranh, đất nước ta bên cạnh những thuận lợi cũng gặp nhiều khó khăn lớn. Một mặt, ta phải hàn gắn những vết thương chiến tranh, giải quyết hậu quả 30 năm chiến tranh. Mặt khác, phải tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của Tổ quốc; đồng thời, chịu sự bao vây, cấm vận của đế quốc và các lực lượng thù địch. 10 năm cả nước tiến theo con đường CNXH (1975-1985) là thời gian Đảng ta tìm tòi con đường đổi mới. Từ giữa thập niên 80 của thế kỷ XX, trên cơ sở tổng kết thực tiễn xây dựng CNXH, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng XHCN. Công cuộc đổi mới mang ý nghĩa một cuộc cách mạng trong thời kỳ mới, đã đáp ứng được nguyện vọng tha thiết của nhân dân ta, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Thành tựu mà đất nước ta đạt được sau 36 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng phát động đã khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, khẳng định sự nghiệp cách mạng nước ta đang vững bước tiến lên. Sự nghiệp vẻ vang đó tiếp tục phát huy được truyền thống quật cường của dân tộc, đặc biệt là những thành quả và bài học kinh nghiệm từ cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám và các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thành tựu mà đất nước đã và đang đạt được chứng tỏ rằng, Đảng ta, nhân dân ta có đủ bản lĩnh và khả năng để vượt qua mọi khó khăn.

Kiên định mục tiêu và con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn: Độc lập dân tộc và CNXH là nhân tố quyết định để nhân dân ta vượt qua thách thức, khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguyễn Hà Hải

Bình luận

ZALO