Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:03 GMT+7

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng

Biên phòng - Vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng chính đảng của giai cấp vô sản, trong công tác xây dựng Đảng, một trong những vấn đề được Hồ Chí Minh quan tâm, coi trọng và đặt lên hàng đầu là công tác xây dựng chi bộ.

qm91_6a
 Một buổi sinh hoạt ở chi bộ thôn Ea Luêh, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, Đắk Lắk. Ảnh: CTV

Theo Người, Đảng muốn mạnh, trước hết phải có mạng lưới chi bộ vững mạnh. Bởi vì, chi bộ là hạt nhân nòng cốt, là nền tảng của tổ chức Đảng cơ sở, cho nên phải thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, mà trọng tâm là công tác xây dựng chi bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của chi bộ Đảng đối với công tác xây dựng Đảng và của toàn bộ sự nghiệp cách mạng, mà Người còn đi sâu phân tích và đưa ra những luận điểm mới về công tác xây dựng chi bộ.

Những luận điểm của Hồ Chí Minh về công tác xây dựng chi bộ, trong đó, phương thức xây dựng chi bộ trở thành hạt nhân của tổ chức cơ sở Đảng, trước hết xuất phát từ những nguyên lý chung. Tuy nhiên, trên thực tiễn, Người đã vận dụng phát triển sáng tạo trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với cách mạng Việt Nam. Vì vậy, có thể nói, Người đã góp phần hình thành nên các nguyên lý Mác-xít về vấn đề xây dựng Đảng Cộng sản, đặc biệt trong điều kiện Đảng cầm quyền.

Hồ Chí Minh khẳng định: Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ tổ chức, một tổ chức tiên phong chiến đấu của giai cấp công nhân. Hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở phải thật chặt chẽ, có tính kỷ luật cao. Sức mạnh của các tổ chức liên quan chặt chẽ với nhau. Trong hệ thống tổ chức của Đảng, phải tuân theo nguyên tắc tập trung dân chủ, coi đó là xương sống chỉ đạo mọi hoạt động của Đảng. Điều này đòi hỏi tổ chức Đảng cấp dưới phải phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số, chống mọi biểu hiện bản vị, gia trưởng, địa phương cục bộ...

Hồ Chí Minh chỉ đạo phải tổ chức các chi bộ Đảng sao cho phù hợp với đặc điểm tình hình ở Việt Nam, một nước nông nghiệp lạc hậu, nông dân chiếm đa số trong dân chúng, giai cấp công nhân còn nhỏ yếu. Không những thế, trong từng giai đoạn cách mạng, yêu cầu nhiệm vụ và hình thức tổ chức của chi bộ Đảng cũng phải thay đổi cho phù hợp. Vai trò của chi bộ dù ở giai đoạn cách mạng nào cũng là hạt nhân.

Hồ Chí Minh khẳng định: "Chi bộ là đồn lũy của Đảng chiến đấu ở trong quần chúng"; "Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy". Đó là một quan niệm thật sự chuẩn xác về vị trí, vai trò hạt nhân của chi bộ Đảng trong hệ thống tổ chức Đảng.

Nhằm củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò của chi bộ Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh căn dặn, phải không ngừng hoàn thiện phương thức hoạt động, lề lối làm việc cho phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của từng loại đơn vị cơ sở.

Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của chi bộ trong quan hệ với hệ thống tổ chức của Đảng, quan hệ với các tổ chức hệ thống chính trị và quan hệ trực tiếp với nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, cần xác định vai trò của chi bộ trong ba loại quan hệ chủ yếu, đồng thời cần hết sức chú trọng trong quan hệ sự tương tác giữa chi bộ với các đối tượng khác.

Một là, đối với bản thân Đảng, chi bộ là tổ chức hạt nhân quyết định chất lượng lãnh đạo của Đảng. Bởi vậy, theo Hồ Chí Minh, "Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt". Do đó: "Cần phải ra sức củng cố các chi bộ, để tất cả các chi bộ trở nên thật sự là hạt nhân lãnh đạo của Đảng ở mọi bộ, mọi ngành, mọi nghề, mọi nơi".

Hai là, quan hệ giữa chi bộ và đảng viên quyết định chất lượng chi bộ; chi bộ là môi trường tu dưỡng, rèn luyện và cũng là nơi giám sát đảng viên. Hồ Chí Minh xác định: "Đảng viên tốt thì chi bộ mới tốt. Muốn đảng viên tốt thì chi bộ phải thường xuyên giáo dục mỗi đồng chí. Nhiệm vụ của đảng viên là gì? Tư cách của đảng viên là thế nào? Đồng thời giúp đỡ đảng viên hằng ngày tự kiểm điểm mình".

Ba là, trong quan hệ với quần chúng chi bộ là cầu nối giữa Đảng và quần chúng. Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Tác dụng của chi bộ là cực kỳ quan trọng, vì nó là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng. Nhiệm vụ của chi bộ là: Luôn luôn tuyên truyền cho nhân dân và tổ chức nhân dân, để thực hiện khẩu hiệu và chính sách của Đảng; luôn luôn chú ý đến tư tưởng và nhu cầu của nhân dân và kịp thời báo cáo cho cấp trên biết rõ; luôn luôn quan tâm đến đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa của nhân dân, đồng thời giáo dục nhân dân, tổ chức nhân dân để giải quyết các vấn đề cho nhân dân; chỉ có làm đầy đủ những công việc ấy, thì Đảng mới liên hệ chặt chẽ với quần chúng".

Một trong những phương châm mà Hồ Chí Minh chỉ đạo để xây dựng chi bộ vững mạnh, trở thành chiếc cầu nối thực sự giữa các cấp ủy Đảng với hệ thống chính trị và nhân dân là công tác chỉnh đốn, tự phê bình và phê bình trong Đảng. Vấn đề "thanh đảng" có thể phù hợp với một số đảng chính trị cầm quyền trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, Hồ Chí Minh chỉ chủ trương "chỉnh đốn Đảng", coi đó là cách làm phù hợp, trở thành nhu cầu tồn tại và phát triển của Đảng.

Vấn đề cốt lõi là ở chỗ: "Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt", do đó, Người đặc biệt chăm lo xây dựng đội ngũ cốt cán trong các chi bộ cơ sở. Chính Người đã khởi xướng cuộc vận động xây dựng "Chi bộ bốn tốt"; "Đảng bộ bốn tốt" và trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, duy trì, đẩy mạnh phong trào này trong toàn Đảng cho đến phút cuối đời. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Hồ Chí Minh căn dặn, muốn Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có đủ năng lực lãnh đạo, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến các chi bộ phải, "...đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc"; "phải giữ gìn đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình".

Để làm được điều đó: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân".

Tiếp tục khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo của chi bộ và tổ chức cơ sở đảng, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nhấn mạnh: "Tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, tạo chuyển biến về chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở Đảng, nhất là tổ chức Đảng trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, kiện toàn tổ chức, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở. Xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm cao trong công việc, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng... kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước".

Để nâng cao sức mạng của chi bộ, trước hết, phải chú ý đến chất lượng đảng viên, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, đảng viên, bên cạnh đó, công tác kiểm tra của Đảng phải được coi trọng và thường xuyên; công tác tự phê bình và phê bình nhằm phát huy tinh thần dân chủ của đảng viên trong chi bộ; đổi mới sinh hoạt chi bộ cả về hình thức và nội dung, thời gian sinh hoạt chi bộ sao cho sát hợp với từng cơ sở, đối tượng... Chỉ có như vậy, công tác xây dựng Đảng mới có hiệu quả, Đảng mới đảm bảo được vai trò lãnh đạo của mình, hoàn thành sứ mệnh cách mạng và trọng trách mà nhân dân tin tưởng, giao phó.

Thiếu tá Đặng Công Thành - Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Bình luận

ZALO