Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 03:39 GMT+7

Vấn nạn quốc gia

Biên phòng - Thời gian gần đây, dịch vụ vay tiêu dùng nhanh đang thịnh hành ở nhiều địa phương, đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Các công ty, tổ chức tín dụng cho vay cá nhân thông qua “App” trên smartphone, qua mạng xã hội với nhiều thông tin quảng cáo hấp dẫn, lợi dụng những khó khăn và sự thiếu hiểu biết của người lao động để dụ dỗ, lôi kéo hàng vạn người vay tiền.

Thực tế, các đối tượng cho vay không thế chấp, huy động vốn, góp vốn, góp tài sản kinh doanh là hoạt động tín dụng đen núp bóng doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính với lãi suất cao bất thường. Trong nhiều vụ việc, người bị hại phải chịu lãi suất lên tới 90-100%/tháng, 700-1.000%/năm.

Nhiều trường hợp người lao động sau đó rơi vào nợ nần hoặc chậm trả vì nhiều lý do là nguồn cơn để các nhân viên của công ty, tổ chức tín dụng cho vay gây áp lực đòi nợ. Không chỉ bản thân người vay tiền mà cả người thân, bạn bè, thậm chí lãnh đạo các doanh nghiệp nơi người lao động làm việc bị quấy nhiễu, đe dọa và xúc phạm bằng nhiều hình thức (qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội...). Trong khi doanh nghiệp không hề biết và không liên quan đến giao dịch vay dân sự.

Trong quá trình đó, tín dụng đen sử dụng nhiều thủ đoạn như đe dọa, khủng bố tinh thần, chiếm đoạt tài sản, tiền lương của người đi vay, thậm chí đánh đập, gây thương vong cho con nợ...

Các thủ đoạn này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, làm xáo trộn cuộc sống và gia đình người lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như trật tự, xã hội.

Trong 3 năm qua, lực lượng Công an đã đấu tranh, phát hiện, xử lý 2.740 vụ việc với gần 5.000 đối tượng liên quan đến tín dụng đen, đã khởi tố gần 2.000 vụ án với gần 4.000 bị can, trong đó có hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi với nhiều bị hại là công nhân. Lãnh đạo Bộ Công an cho biết, con số trên chưa phản ánh hết tính chất phức tạp và nghiêm trọng của tội phạm liên quan tín dụng đen, bởi những biến tướng của hoạt động này ngày càng tinh vi với nhiều hình thức khác nhau, nhất là cho vay qua mạng internet.

Theo chuyên gia ngân hàng, đa số người vay tín dụng đen có thu nhập rất thấp, trong đó, 54,6% người đi vay có thu nhập dưới 5 triệu đồng. Chừng nào các tổ chức tài chính chính thức chưa đủ đáp ứng nhu cầu vốn cũng như nhu cầu tài chính, sinh hoạt hàng ngày của người dân, đặc biệt là người nghèo thì vẫn còn cơ hội cho tín dụng đen phát triển.

Rõ ràng, hành vi của các đối tượng cho vay nặng lãi đã gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân và nguy cơ trở thành quốc nạn. Tuy nhiên, việc xử lý các vụ việc liên quan đến tín dụng đen gặp khó khăn do khó xác định giữa phạm vi dân sự với hình sự, nếu không củng cố đầy đủ chứng cứ sẽ bỏ lọt tội phạm.

Để phòng ngừa, ngăn chặn tín dụng đen, cùng với biện pháp trấn áp mạnh mẽ, triệt phá các tổ chức tội phạm liên quan đến tín dụng đen; siết chặt quản lý các ngành nghề kinh doanh thường bị tín dụng đen lợi dụng để núp bóng hoạt động, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho người dân về các phương thức, thủ đoạn hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi.

Nguyên nhân tín dụng đen bùng phát trong thời gian qua chủ yếu do nhu cầu vay vốn trong nhân dân rất lớn. Do vậy, cần làm rõ nhu cầu vay chính đáng của người dân, khi họ có nhu cầu vay tín dụng ở những món nhỏ, lẻ cho sinh hoạt hàng ngày thì cần có nguồn tín dụng chính thức đáp ứng.

Thiết nghĩ, Ngân hàng Nhà nước cần sớm hoàn thiện thêm hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho các ngân hàng đáp ứng nhu cầu vay của người dân, nhất là công nhân và nông dân. Đồng thời, tăng cường sử dụng biện pháp công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho người vay tiếp cận nguồn vốn từ các kênh chính thức.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO