Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 01:23 GMT+7

Văn nghệ giữa trùng khơi Thổ Chu

Biên phòng - Ở các địa bàn biên giới, hình ảnh giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa người lính Biên phòng và các thầy cô giáo là hình ảnh khá quen thuộc. Ở một vùng đất tận quần đảo Thổ Chu, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, việc luyện tập văn nghệ, tổ chức đi thi cũng là một đề tài đặc biệt và chỉ có những người từng trải mới dám tham gia vì tập luyện xong phải đi tàu hàng trăm hải lý vào bờ.

Các cô giáo luyện tập văn nghệ tại Đồn Biên phòng Thổ Châu. Ảnh: Văn Chương

Màn đêm buông xuống nơi quần đảo Thổ Chu, đi từ bãi Ngự đến bãi Dong đã nghe âm thanh của gió mùa tạm ngớt xuống và thổi lại vào đầu buổi sáng. Tháng 5-6 là cao điểm của gió Nam. Gió thổi từng luồng, có lúc kéo theo mây đen kịt bao phủ bầu trời khiến không gian tối sầm. Xã Thổ Châu ở quần đảo Thổ Chu về đêm thưa thớt bóng người. Đã qua rồi cái thời vài trăm chiếc tàu đánh cá ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận vào vùng biển cực Nam và ra lưu trú, đánh bắt ở quần đảo Thổ Chu. Khi tiếng gió ngớt, đứng trên con đường băng qua Đồn Biên phòng Thổ Châu, BĐBP Kiên Giang nghe văng vẳng tiếng hát từ hội trường trên tầng 3.

“Ta lướt sóng ra khơi, hiên ngang cùng bám biển/Thổ Châu hôm nay, dựng xây sức sống tương lai...”, tiếng hát của 4 cô giáo và 4 cán bộ, chiến sĩ cùng tiếng nhạc vang lên giống như người dân chài đang chung tay kéo lưới. Chương trình hội diễn văn nghệ sắp tới sẽ tổ chức tận đảo Phú Quốc và sau khi tập xong, mọi người sẽ lên đường. Để đi từ quần đảo Thổ Chu vào đảo Phú Quốc biểu diễn, riêng phần chi phí cho đoàn liên quan tới vé tàu, điều kiện ăn ở khoảng 7 triệu đồng. Nếu gặp sóng to, gió lớn và đoàn kẹt lại ở đảo Phú Quốc thì mọi phát sinh sẽ tăng lên.

Cô giáo Tạ Thị Hồng Kiều nói vui: “Em là con gái miền Bắc, hát được nhiều thể loại nhạc vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có dân ca quan họ, khi vào tận miền hải đảo này thì gặp rất nhiều bạn hát các thể loại cải lương, đờn ca tài tử, cả 2 miền hợp lại thì sẽ có được chương trình dự thi liên hoan văn nghệ mang nhiều sắc màu, đồng thời cũng trở thành tiết mục để sau này diễn phục vụ bà con ở quần đảo Thổ Chu”.

Xã đảo Thổ Châu thuộc thành phố Phú Quốc. Mới nghe qua tên 2 địa danh này thì nhiều người có thể ngỡ tưởng 2 địa phương này nằm tương đối gần nhau giống như xã đảo An Bình và huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi. Quần đảo Thổ Chu dù trực thuộc thành phố Phú Quốc, nhưng nằm ở tận vùng khơi xa thăm thẳm, khoảng cách là 100km. Những người lần đầu tiên từ Phú Quốc ra quần đảo Thổ Chu vào mùa gió Nam đều thốt lên “cảm giác như rớt tim ra ngoài”. Mùa gió Nam, con tàu chở khách luôn chao đảo rất mạnh. Vậy mà các cô giáo và những người lính sau khi tập văn nghệ xong, sẽ lên tàu vào đảo Phú Quốc và trải qua biết bao nhọc nhằn.

Cô giáo Lê Thị Huyền Trang, quê ở tỉnh Nghệ An là biên đạo múa. Cô Trang tâm sự, cô xuất thân trong gia đình không phải ngư dân đi biển, khi ra vùng biển, đảo tiền tiêu ở tận biên giới Tây Nam, cô chứng kiến những khó khăn, gian khổ của những người lính, rồi các em học sinh lớn lên cũng phải trải qua bao thử thách, ví dụ như học lên cấp 3 thì phải vào đảo Phú Quốc. Nghĩ về những điều này, bản thân cô cũng như các cô giáo khác từ lâu đã gắn bó với cán bộ, chiến sĩ BĐBP, có rất nhiều chương trình văn nghệ biểu diễn trên đảo với sự phối hợp giữa các cô giáo với người lính mang quân hàm xanh.

Cô Nguyễn Thị Thúy Lan có giọng hát trong trẻo. Đứng giữa 2 người lính, cô thực hiện các động tác phụ họa theo lời bài hát “Thổ Châu biển, đảo Tây Nam”. Cô Lan quê ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, có nhiều năm gắn bó với người lính Biên phòng để tham gia các chương trình văn hóa, văn nghệ ở đảo. Khi thực hiện các vũ điệu phụ họa cho bài hát có giai điệu mạnh và dập dồn, cô Lan và cô giáo Kiều liên tục xoay vòng quanh những người lính để phụ họa làn sóng biển, tình quân dân, biểu tượng cột mốc chủ quyền, sừng sững hiên ngang giữa biển trời của Tổ quốc.

Lúc giải lao giữa buổi tập văn nghệ, có ý kiến nhờ anh em BĐBP ngày hôm sau cùng các thầy cô giáo dọn dẹp vệ sinh ở 2 trường học của Thổ Châu. Vậy là mọi người lại chuyển sang đề tài xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp. Trung tá Danh Hiếu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thổ Châu cho biết, ở hòn đảo xa xôi này, tình cảm giữa các thầy, cô giáo và anh em BĐBP như là anh em ruột thịt. Cứ có việc gì là trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ.

Trung tá Danh Hiếu chia sẻ về lộ trình đoàn văn nghệ vào Phú Quốc cũng là cả một vấn đề. Cứ 5 ngày mới có một chuyến tàu ra quần đảo Thổ Chu và ngược lại. Đang vào mùa gió Nam, nếu vào diễn văn nghệ xong và thời tiết xấu đi thì mọi người sẽ kẹt lại ở Phú Quốc hàng chục ngày. Cô giáo Tạ Thị Hồng Kiều, quê ở huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội tâm sự về việc tình nguyện ra vùng biển, đảo xa xôi này và gắn bó với nghề dạy học. Khi cô Kiều xuống tàu đi vào đảo Phú Quốc diễn văn nghệ, 2 con gái là Vũ Ngọc Gia Hân, sinh năm 2016 và Vũ Ngọc Minh Hà, sinh năm 2019 níu áo mẹ rồi mới tạm biệt, hẹn mẹ ngày về.

Những ngày trời nổi gió Nam ở quần đảo Thổ Chu, đêm xuống dường như kéo dài hơn ngày thường. Thiếu tá Phan Tấn Phát, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Thổ Châu tâm tình, ngoài các tiết mục hát múa còn có mục giới thiệu về lịch sử, truyền thống của Đồn Biên phòng Thổ Châu. Đơn vị có sự hỗ trợ của các cô giáo nên các tiết mục luôn toát lên tình quân dân gắn bó keo sơn.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO