Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 08:45 GMT+7

Vẫn vẹn nguyên nụ cười Thành cổ Quảng Trị

Biên phòng - Đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng bức ảnh “Nụ cười thách thức bom đạn” của phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính vẫn mang đến cho người xem những xúc cảm vẹn nguyên về tinh thần chiến đấu ngoan cường của những người lính Thành cổ Quảng Trị vào những ngày hè đỏ lửa năm 1972. Và ít ai biết được câu chuyện đầy cảm động của ông Trần Khánh Khư - nguyên Trưởng ban quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị với hành trình “tìm người trong ảnh”.

Bức ảnh chiến sĩ Lê Xuân Chinh trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ ác liệt được trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Đoàn Công Tính

Trở lại chiến trường xưa

Nắng tháng Tám trên miền đất lửa Quảng Trị bỏng rát mặt người. 50 năm sau ngày Thành cổ Quảng Trị được giải phóng, người ta vẫn nhớ về 81 ngày đêm những người lính chiến đấu giữ Thành cổ Quảng Trị. Và dường như bất kì ai đến thăm Thành cổ Quảng Trị cũng không thể quên được bức ảnh “Nụ cười thách thức bom đạn” được trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.

Ngày hôm nay, hòa trong dòng người trở về nguồn, thăm lại chiến trường xưa, cựu chiến binh (CCB) Lê Xuân Chinh (hiện ở xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) lặng lẽ thắp nén hương và ngồi lặng giữa bãi cỏ xanh Thành cổ. Thời gian và gánh nặng mưu sinh khiến sức khỏe người CCB Thành cổ có phần giảm sút so với tuổi 69 của mình, nhưng nụ cười tươi rói vẫn vẹn nguyên như nụ cười của tuổi 20 nơi chiến trường đầy đạn bom ác liệt.

Dòng chảy ký ức như lại ùa về với người lính đã không tiếc máu xương, cùng đồng đội giữ vẹn nguyên Thành cổ.

CCB Lê Xuân Chinh quê ở xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Năm 1972, ông tình nguyện nhập ngũ. Tháng 6/1972, ông được biên chế về Đại đội 18 thông tin liên lạc của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B. Ngày ấy, ông cùng đồng đội vượt sông Thạch Hãn và Thành cổ Quảng Trị để làm nhiệm vụ. “Công việc của người lính thông tin lúc bấy giờ là dẫn lực lượng chủ lực và đưa công văn, mệnh lệnh của chỉ huy xuống các đơn vị chiến đấu trong Thành cổ”.

Trước lằn ranh sinh tử của hòn đạn, mũi tên, ông cùng đồng đội không biết bao nhiêu lần phải đối mặt với cái chết, rồi may mắn đi qua. “Thời điểm đó, chiến tranh ở chiến trường Thành cổ rất ác liệt. Mọi hoạt động liên lạc đều do đơn vị thông tin liên lạc khâu nối. Trận chiến ấy kéo dài 81 ngày đêm thì tôi bám trụ 70 ngày. Chiều ngày 5/9/1972, khi đang trên đường mang công văn từ Ban chỉ huy Trung đoàn xuống Ái Tử thì tôi bị trúng pháo, rồi bị thương. Tỉnh dậy, tôi đã được đồng đội chuyển ra Bệnh viện dã chiến 112, thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình” - ông Chinh kể lại.

CCB Lê Xuân Chinh sau 50 năm trở lại Thành cổ bên dòng Thạch Hãn. Ảnh: Vĩnh Yên

Kể về bức ảnh với nụ cười tươi, ông nhớ lại: “Đó là một ngày giữa trận chiến, khi tôi đang cùng các đồng đội cười nói rôm rả thì phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính đi qua và bảo: Các anh em ngồi đó và cười thật tươi cho tôi chụp một bức ảnh. Cũng chỉ là một bức ảnh thôi, rồi tôi cùng đồng đội quên ngay sau đó, khi những loạt đạn bom khác ồ ạt xả xuống. Sau đó, năm 1973, khi đang đóng quân ở Dốc Miếu (một trong những vị trí khốc liệt tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), một đồng đội đưa cho tôi tờ báo Quân đội nhân dân có tấm ảnh mình chụp hôm đó. Chiến tranh đi qua, cuộc mưu sinh bộn bề, tôi cũng không còn nhớ đến bức ảnh ấy, bởi với người lính, việc tham gia chiến trận là trách nhiệm của tuổi trẻ chung lòng bảo vệ quê hương. Thậm chí, tôi cảm thấy may mắn hơn đồng đội là đã được trở về”.

Hành trình tìm người qua ảnh

Khoảng năm 1998, bức ảnh “Nụ cười thách thức bom đạn” của phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính được phóng to, trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Bức ảnh ghi lại nụ cười của 5 chiến sĩ cách mạng trong giây phút nghỉ ngơi sau trận đánh. Nhìn bức ảnh, nhiều người liên tưởng đến khoảnh khắc lịch sử của chiến tranh, cùng sự hy sinh anh dũng của người lính.

Ông Trần Khánh Khư, nguyên Trưởng ban quản lý Di tích Thành cổ giai đoạn 2000-2010 kể lại: “Khoảng năm 2002, lúc đó tôi đang phụ trách Di tích Thành cổ, trực tiếp thuyết minh cho một đoàn khách từ miền Bắc vào. Trong đoàn, có một anh chăm chú nhìn bức ảnh rồi nói: “Đây là anh Chinh ở quê tôi”. Cuối buổi thuyết minh hôm đó, tôi gặp người khách để hỏi thông tin. Thú thật, kể từ khi bức ảnh được trưng bày tại bảo tàng này, tôi cứ nghĩ có lẽ người lính ấy đã nằm lại chiến trường. Nghe tin anh còn sống, tôi rất vui. Tôi tự nhủ lòng phải quyết tâm tìm gặp cho được người chiến sĩ này, bởi bức ảnh đặc biệt có giá trị với Thành cổ trong cuộc chiến 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972”.

Ông Trần Khánh Khư đọc lá thư của CCB Lê Xuân Chinh gửi về từ Điện Biên. Ảnh: Vĩnh Yên

Thời điểm ấy, điều kiện thông tin liên lạc còn khó khăn. Ông Khư lật tìm cuốn danh bạ điện thoại tỉnh Thái Bình. Nhưng điện thoại bàn của đơn vị được quy định số phút gọi hạn chế. Tan giờ làm, ông đạp xe ra bưu điện, lần lượt gọi tìm thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thái Bình, rồi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh. “Manh mối lần về được xã Thái Phương thì thông tin thêm một lần mờ mịt khi xã cho hay, anh Chinh đã chuyển lên vùng kinh tế mới ở tỉnh Điện Biên. Cuộc tìm kiếm lại trở về điểm xuất phát” - ông Khư kể.

Mất gần nửa năm ròng rã, ông Khư mới lần tìm ra được nơi ở của CCB Lê Xuân Chinh ở xã Thanh Yên (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Cuộc hội ngộ bất ngờ giữa hai người lính chưa từng gặp mặt qua đường dây điện thoại đầy xốn xang và trăn trở. Biết cuộc sống CCB Lê Xuân Chinh gặp khó khăn, ông Khư kết nối với ông Đoàn Công Tính, rồi từ đó kết nối thêm nhiều đồng đội khác để hỗ trợ, giúp đỡ ông Chinh.

Nhớ lại năm tháng đó, CCB Lê Xuân Chinh xúc động: “Từ cuộc gọi tìm kiếm của anh Khư, tôi được gặp lại phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính và nhiều đồng đội khác. Tôi được trở về thăm lại chiến trường xưa Thành cổ. Thú thật, ngày rời quân ngũ, cuộc sống bộn bề vất vả, tôi không nghĩ sẽ có ngày trở lại nơi này, thắp nén hương trầm thăm đồng đội mình đã ngã xuống. Ấy thế mà cơ duyên đã đưa chúng tôi trở lại bên nhau”.

Những lời tâm sự của người cựu binh giữa Thành cổ khiến buổi chiều càng trở nên mênh mang. Ra thế, Thành cổ Quảng Trị không chỉ ghi dấu cuộc chiến tranh bảo vệ quê hương ác liệt, mà hôm nay còn lưu dấu cả nghĩa tình đồng đội, những con người cùng vào sinh ra tử lại nắm tay nhau vượt qua gian khó giữa thời bình.

Trúc Hà - Vĩnh Yên

Bình luận

ZALO