Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 31/10/2024 07:21 GMT+7

Vắng dần những “kho tư liệu” sống…

Biên phòng - Khoảng 15 năm về trước, khi ra đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và đặt chân tới Âm linh tự và mộ lính Hoàng Sa; hoặc các điểm là nhà thờ các cai đội, chánh đội trưởng thủy quân Hoàng Sa thì được gặp các bậc cao niên ngồi kể chuyện về những hùng binh Hoàng Sa thuở trước. Còn giờ đây, những nơi này vắng dần các cây đại thụ.

Cụ Phạm Quang Tĩnh (thời điểm còn sống) kể với phóng viên Báo Biên phòng những hùng binh Hoàng Sa thuở trước. Ảnh: Văn Chương

Ông bà về đảo

Nhắc đến các cụ, tôi phải lùi lại bối cảnh đảo Lý Sơn hơn 15 năm về trước. Cũng vào thời gian này, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa lúc đó không phải tổ chức tại đình làng An Vĩnh, mà được tổ chức tại Âm linh tự và mộ lính Hoàng Sa. Trước ngày tổ chức lễ, nhiều cụ già ở làng biển An Vĩnh đã đi cắt chuối để làm bè, cắt giấy màu để may áo cho các hình nhân đặt lên trên chiếc bè chuối tượng trưng. Trong khung cảnh đó, các cụ già toàn kể những câu chuyện xưa cũ với giọng trầm trầm và ánh mắt như đang dõi về chốn vô định.

Cụ Võ Hiển Đạt, người thông thạo chữ Nho, trong ký ức lưu giữ đầy đủ những câu chuyện mà các cụ già gọi là “tích”, tức là câu chuyện không được ghi chép, nhưng được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Các cụ kể lại rằng, những bè chuối và hình nhân lính Hoàng Sa trên bè, dù chỉ là vật mô phỏng, nhưng nó hội tụ được linh hồn của những người lính từng bỏ mạng khi nhận lệnh triều đình ra trấn giữ đảo, đặt bia, cắm mốc, đo đạc hải trình. Những ngư dân đi biển vô tình bắt gặp những chiếc bè chuối lính Hoàng Sa đang trôi dạt và ai cũng sửng sốt khi trong gió thoang thoảng tiếng tu tu của ốc u lẫn với âm thanh lao xao như bao người đang hò la, kéo căng dây với cánh buồm no gió.

Những ngày chuẩn bị cho Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, trong gian thờ của Âm linh tự và mộ lính Hoàng Sa luôn thấp thoáng bóng người đi qua lại giữa những ngọn đèn đặt trên các bàn thờ. Đèn không bao giờ được tắt cũng như hương không bao giờ ngừng le lói ánh lửa. Gió biển thổi phù phù khiến đốm nhang lập lòe như ánh mắt của người đã khuất đang rưng rưng. Suốt đêm, các cụ già thắp hương, ngồi bên nhau kể chuyện Hoàng Sa một thuở, chỉ lên lá cờ phướn ngũ sắc bay phần phật trong gió biển và nói, “cứ nửa đêm là mấy ổng về, cứ nghe tiếng gió là biết người đã kiếm lối tìm về”.

Trong buổi Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2021 được tổ chức trang trọng theo nghi lễ, trước sự chứng kiến của dân làng và du khách. Trong không gian đậm mùi khói hương, vẫn thiếu vắng điều gì đó, đó là các cụ, các bậc cao niên tôi từng gặp ở Âm linh tự và mộ lính Hoàng Sa giờ đây đều đã qua đời ở tuổi ngoài 80. Tôi không có cơ hội để nghe các cụ kể thêm nhiều chuyện nữa để có thể hình dung, ghép nối bức tranh toàn cảnh về những chiến binh Hoàng Sa khi xưa. Vì hàng trăm năm trước, Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) không có gạo trắng, thuyền bầu cứ cuối năm lại xuất bến vào Nam để chở gạo về đảo.

Trước khi Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức tại Đình làng An Vĩnh, các gia đình và tộc họ ở cuối đảo (từng là xã An Hải, Bình Yến) đều đã tổ chức lễ tại nhà thờ họ của mình, trong đó, có nhà thờ của Cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh. Những lần trước, tôi thường ghé vào nhà thờ và nghe ông Phạm Quang Tĩnh, là hậu duệ của cụ Phạm Quang Ảnh để nghe chuyện về một hòn đảo ở ngoài quần đảo Lý Sơn đang mang tên là đảo Quang Ảnh (tức đảo Tiền, ngư dân gọi là đảo Hai Trụ). Ông Tĩnh giờ đây cũng đã qua đời nên ngôi nhà dù được xây mới lại, nhưng không khí vẫn đầy nguội lạnh.

Quy luật khắc nghiệt của thời gian

Âm linh tự và mộ lính Hoàng Sa được người dân tâm niệm là nơi linh thiêng nhất trên đảo. Niềm tin tâm linh mãnh liệt đó có thể đã khiến cho các cụ xem xét mọi sự vật xảy ra xung quanh ngôi miếu này đều do bàn tay của những binh phu Hoàng Sa sắp đặt. Với niềm tin đó, cứ vào dịp cuối năm, các chủ tàu đánh cá đều đến miếu để đặt lễ. Mỗi khi ra biển, nếu tàu gặp sóng gió, đánh bắt cá không thuận lợi..., các thuyền trưởng thường ngoảnh về đất liền vái xin ông bà phù trợ, hoặc điện Icom về đất liền nhờ người nhà vào miếu thắp hương để nguyện cầu. Thuyền trưởng thường hứa “cuối năm con sẽ lễ 1 heo, 3 gà; 2 heo, 5 gà...” thì kết thúc mùa biển đều phải làm lễ đúng như lời hứa.

Nghệ nhân dân gian Võ Hiển Đạt, người từng phục dựng mô hình ghe câu của lính Hoàng Sa. Ảnh: Văn Chương

“Hoàng Sa đi dễ khó về/Tháng Hai khao lề thế lính Hoàng Sa”, thời trước, tôi thường ngồi dưới mái đình Âm linh tự và nghe các cụ đọc những vần thơ da diết thương nhớ lính Hoàng Sa. Giờ đây, những câu thơ trên vẫn được nhắc đến trong lễ tế lính ở đình làng An Hải. Nhưng tôi tin chắc rằng, giọng đọc của những người con cháu của các cụ không thể nào chứa đựng sức nặng nội tâm nhiều như thuở trước. Cụ Võ Hiển Đạt có khuôn mặt dài, cánh mũi to, vóc dáng thể hiện từng là một thanh niên vạm vỡ có bờ vai to, ngực rộng. Cụ đọc những câu hò vè về lính Hoàng Sa và âm thanh phát ra từ lồng ngực của cụ, giọng ngâm ai oán nhớ thương.

Giờ đây, những lớp người trẻ trên đảo đọc những câu thơ, hò vè về lính Hoàng Sa, giọng của họ không thể có âm hưởng trầm lắng và sâu xa như các cụ. Bởi vì, trong lòng các cụ già thời trước, họ đều chất chứa một niềm tin rằng, “cứ đến ngày khao lề là các ông ở ngoài khơi lại thác đi, thác về; ông về lúc nửa đêm khiến lá cờ phướn tung bay phần phật”. Niềm tin đó khiến cho nỗi nhớ thương cứ đến độ lại dâng trào.

Năm 2017, ông đồ của đảo Lý Sơn là cụ Võ Hiển Đạt (sinh năm 1931) qua đời; tiếp đến là sự ra đi lần lượt của cụ Võ Văn Toại - người có bàn tay truyền sinh linh cho những bức tượng bằng đất, là hình nhân thế mạng dành cho những người mất tích trên biển; ông Nguyễn Cậu - Chánh tế của các buổi Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Những người mà tôi vừa nhắc tên, mỗi khi nói về những hùng binh Hoàng Sa, họ thường cất cao giọng đọc 2 câu thơ trong không khí trầm mặc, thương xót: “Ân đức xây dựng miền đảo Lý/Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa”.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO