Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 31/10/2024 07:21 GMT+7

Vẻ đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong đại dịch

Biên phòng - 27 bút ký đẫm hơi thở cuộc sống và hiện thực về cuộc chiến không tiếng súng với “kẻ thù vô hình” Covid-19 trong tập sách “Binh pháp” chống dịch (Nhà xuất bản QĐND) của Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh (Cục Chính trị BĐBP) đã khắc họa vẻ đẹp Bộ đội Cụ Hồ. Sách đến tay bạn đọc trước dịp kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2021) như một lời tri ân và sự vinh danh của nữ nhà văn áo lính đối với đồng chí, đồng đội và lực lượng tuyến đầu.

Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh tham gia hoạt động hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho bà con nhân dân ở khu cách ly, phong tỏa thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10-2021. Ảnh: Hoàng Quý

“Ta thấy gì trong gian khó hôm nay”, “Tình yêu Tổ quốc trên chốt Biên phòng”, “Nét đẹp sau mặt nạ phòng hóa”, “Shipper áo lính”, “Tiếng loa phòng dịch trên biên giới”, “Lặng lẽ chiến sĩ “sao vuông””, “Dặm đường vàng”, “Lính biển trên tuyến đầu”, “Kích hoạt yêu thương”... là những bút ký mang cái tên rất gợi trong tập sách “Binh pháp” chống dịch của nhà văn Phạm Vân Anh. Là chiến sĩ trong lực lượng BĐBP, nhà văn mang tâm thế đầy xúc cảm của người trong cuộc để tôn vinh và tri ân đồng bào, đồng chí của mình trong những ngày đất nước cam go đã luôn bền lòng, vững chí cùng nhau vượt qua.

Chia sẻ về sự ra đời của cuốn sách, nhà văn cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, chị đã tích cực tham gia các hoạt động chống dịch, đồng thời, có mặt trong nhiều hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do Covid-19. Bản thân chị hết sức bận rộn với nhiệm vụ chuyên môn và quá trình xây dựng kết cấu cuốn tiểu thuyết “Biên khu Việt Quế”. Song, được chứng kiến những câu chuyện đầy xúc động về những con người tràn đầy tinh thần cống hiến, xả thân vì cộng đồng, trong đó, có đồng chí, đồng đội của mình, chị đã cầm bút để viết về họ. “Binh pháp” mà chị muốn nói đến chính là sức mạnh đoàn kết, ý thức trách nhiệm, sự dấn thân cao cả và lòng nhân ái của người Việt, tinh thần Việt.

Là người đi nhiều nơi, từ biên giới đến hải đảo, được tiếp xúc với nhiều nhân chứng lịch sử trong lực lượng vũ trang, lão thành cách mạng, ngay trong bút ký đầu tiên của tập sách “Ta thấy gì trong gian khó hôm nay”, Phạm Vân Anh khẳng định: “Trong gian khó, nhân dân đã hiểu và nhắc nhiều hơn đến các anh với sự tri ân và tình cảm trìu mến, yêu thương. Đã thấm thía và đồng cảm với gian khó, hy sinh của nghề gọi là “Nghề phụng sự Tổ quốc”, “Nghề bảo vệ nhân dân”, những người lính dù mang màu áo nào cũng đang căng mình trong đại dịch. Bất cứ nơi đâu nhân dân cần, các anh có mặt. Các anh chính là tuyến đầu của mọi tuyến đầu”.

Bìa cuốn sách “Binh pháp” chống dịch. Ảnh: Hoàng Quý

Các nhân vật được đề cập trong tập sách đều là người thật, việc thật và có tính tiêu biểu, đại diện nên tính phản ánh báo chí cao. Song, chị đã dùng ngôn ngữ bút ký văn học có sức gợi, lôi cuốn và xây dựng hình tượng, sử dụng bút pháp ẩn dụ để lồng ghép nhiều thông điệp ý nghĩa trong đó. Những câu chuyện được kể bằng sự kết hợp giữa tính thời sự của báo chí và cách kể chuyện tỉ mỉ, cảm xúc theo chiều kích thời gian từ năm 2020 khi đại dịch tràn vào nước ta đã phản ánh theo đề tài, tôn trọng những suy nghĩ nội tâm của nhân vật, có tính khái quát cao, trải rộng nhiều vùng miền.

Qua “Binh pháp” chống dịch, ngòi bút Phạm Vân Anh đã phản ánh cuộc “ra quân” chưa từng có của lực lượng vũ trang, từ binh chủng phòng hóa, đội ngũ y bác sĩ, từ “sao tròn” đến “sao vuông”, màu áo xanh của lính, màu áo trắng của đội ngũ thầy thuốc đến màu áo “vô ưu” của tăng ni, phật tử. Phạm Vân Anh đi từ các điểm nóng biên giới đến các tâm dịch từ giai đoạn 2, giai đoạn 3 như “tâm dịch” Bệnh viện Bạch Mai (thành phố Hà Nội), “tâm dịch” Bắc Giang... cho đến hơn 100 ngày ở thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam.

Là đơn vị “đỡ đầu” cho cuốn sách, Đại tá Nguyễn Hoàng Sáu, Phó Giám đốc Nhà xuất bản QĐND cho biết: “Trong thời điểm cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, thì cuốn sách ra đời đã kịp thời cổ vũ, động viên, khích lệ các lực lượng trên tuyến đầu. Qua ngòi bút của nhà văn Phạm Vân Anh, vẻ đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong đại dịch càng thêm tỏa sáng mà vô cùng gần gũi, thân thương. Đồng thời, đã cho thấy vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp đa dạng, sự hy sinh, cống hiến trên nhiều lĩnh vực công tác của các đơn vị trong toàn quân”.

Toát lên các trang viết là niềm tin yêu và hy vọng, không chỉ niềm tin vào Đảng, lực lượng vũ trang, đội ngũ y, bác sĩ cả nước; không chỉ sức mạnh trong nước, mà còn nghĩa tình quốc tế. Dù dịch Covid-19 gây ra thiệt hại lớn lao về nhiều mặt, kể cả nhân mạng, “Nhưng sau đại dịch, tình người cũng ấm nồng hơn, sự thấu hiểu, sẻ chia cũng nhiều hơn và đã không còn phân biệt vùng miền, dân tộc. Thế mới biết, nhân dân của chúng ta dù ở đâu, lúc nào, hoàn cảnh nào cũng luôn nhân hậu, chịu đựng, thậm chí là hy sinh quyền lợi cá nhân vì việc chung”.

Và trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời điểm nào, hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” luôn được hiện lên thật đẹp trong cuốn sách: “1.944 chốt Biên phòng sẽ là 1.944 đóa hoa đẹp nhất, là 1.944 nốt nhạc báo tin vui trên cung đàn đất nước. Chúc các anh chân cứng đá mềm, như tùng, bách kiên tâm giữa tuế hàn biên giới”, hay “Những người lính được huấn luyện các yếu lĩnh chiến đấu hành quân cấp tốc về vùng dịch, đảm nhận “sứ mệnh” mới. Lính chiến trở thành anh nuôi, nhưng chẳng phải nuôi quân mà là nuôi dân, chăm lo bao gạo, mớ rau, ký thịt cho đồng bào vùng dịch. Không để dân đói lòng, dân thiếu ăn trong những ngày giãn cách”, hoặc “Ai đó từng nói, quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm. Và khẩu hiệu “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội” không phải nói suông mà đã trở thành là nét văn hóa quân sự”.

Đồng hành cùng họ, là gia đình, làng xóm đã tạo nên một hậu phương đảm lược, nhân hậu: “Những người phụ nữ mang trái tim Việt Nam của tôi. Những người giữ lửa để vùi sắn, nướng khoai nuôi bộ đội trong chiến tranh, những người thức hàng đêm gói bánh, làm giò chả, giã vừng, nắm cơm, kịp thời cứu đói nhân dân vùng lũ và hôm nay đang miệt mài sáng tạo danh mục thức ăn với hàng trăm loại “chỉ có ở Việt Nam” để đồng lòng chống dịch”.

Sau đại dịch sẽ là gì? Nhà văn tự đặt câu hỏi rồi tự trả lời: “Có thể là suy thoái kinh tế, có thể là biến đổi khí hậu và thậm chí là một loại đại dịch khác khốc liệt hơn... Nhưng sau đại dịch, tình người cũng ấm nồng hơn, sự thấu hiểu, sẻ chia cũng nhiều hơn và đã không còn phân biệt vùng miền, dân tộc. Thế mới biết, nhân dân của chúng ta dù ở đâu, lúc nào, hoàn cảnh nào cũng luôn nhân hậu, chịu đựng, thậm chí là hy sinh quyền lợi cá nhân vì việc chung. Quân đội ta cũng vậy, luôn dành mọi ưu tiên để bảo vệ và phụng sự nhân dân. Rõ ràng, khi quân đội gắn bó mật thiết với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ nhân dân thì khó lòng có những điều tiếng để những kẻ cơ hội thừa nước đục thả câu, ly gián”.

Chiến thắng Covid-19 suy cho cùng là chiến thắng của văn hóa. “Giờ đây, không chỉ là những lời nói suông về việc kế thừa tinh thần dân tộc, ý chí quật cường và sự đoàn kết cộng đồng của cha ông. Đã có sự chuyển hóa từ sự “ứng phó” thành trách nhiệm công dân với cộng đồng, với xã hội thông qua những hành động, việc làm cụ thể”. Và “Binh pháp” chống dịch cốt tử vẫn là sự “chung sức, đồng lòng” của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Hoàng Quý

Bình luận

ZALO