Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 11:02 GMT+7

Về Huế yêu thương thăm biên cương A Lưới

Biên phòng - Cuối năm 2009, tôi có dịp được tháp tùng Đại tá Hoàng Xuân Chiến, Chỉ huy trưởng BĐBP Thừa Thiên Huế (nay là Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) sang thăm bản Ka Lô, thuộc huyện Kà Lùm, tỉnh Sê Kông, nước bạn Lào qua cửa khẩu A Đớt thuộc huyện A Lưới. Chính quyền và đồng bào ở đó đón những cán bộ Biên phòng Thừa Thiên Huế như người thân trở về quê hương với một sự mến thương, kính trọng sâu sắc.

Cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên hai nước Việt Nam - Lào cùng nhau lau chùi cột mốc 666. Ảnh: Hoàng Trung

Trên đường về, ngang qua cột mốc 666, ông bất chợt đọc thơ “Tổ quốc là đây/ Nơi cột mốc chủ quyền/ Đẫm máu xương nòi giống mấy ngàn năm” và bảo, cột mốc 666 vừa mới được khánh thành cách đây chưa đầy một tháng theo Đề án tôn tạo, tăng dày cột mốc giữa Chính phủ hai nước. Cột mốc với số hiệu thật đẹp đã khiến tôi thầm nghĩ mình sẽ phải trở lại đây thêm nhiều lần nữa để tìm hiểu về vùng biên giới điệp trùng này.

Từ ngàn năm trước, các cứ liệu lịch sử của người xưa để lại đã cho thấy, vùng đất Thừa Thiên Huế là địa bàn cư trú của nhiều cộng đồng dân cư khác nhau, được quy thuộc bộ Việt Thường trong thời kỳ Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc. Đây cũng là vùng đất nổi tiếng với câu sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “mách nước” cho Chúa Nguyễn rằng “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân" - có nghĩa là “một dải Hoành Sơn, có thể yên thân muôn đời”.

Nhắc đến Huế, người ta thường nhớ ngay đến miền đất cố đô với sông Hương, núi Ngự và cụm di tích hoàng thành cổ kính, thâm nghiêm. Và nét Huế cũng vì thế in sâu đậm trong lòng người với khúc ca Huế đằm sâu, quyến luyến như vẻ đẹp dịu dàng, đài các của người con gái Huế.

Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế cũng là một tỉnh biên giới trọng điểm, có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại với 120km biên giới biển, hơn 80km biên giới đất liền tiếp giáp với hai tỉnh Sê Kông và Salavan của nước bạn Lào. Đây là địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Hy, Bru-Vân Kiều... trên dãy Trường Sơn. Toàn bộ đường biên giới đất liền của Thừa Thiên Huế nằm trên địa bàn của huyện A Lưới, một huyện miền núi giàu truyền thống yêu nước và cách mạng với nhiều di tích lịch sử đáng tự hào cùng những giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Trung tá Hồ Văn Việt, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Thừa Thiên Huế cho chúng tôi biết thêm rằng, A Lưới cũng là nơi có rất nhiều tấm gương anh hùng, liệt sĩ tiêu biểu trong hai cuộc kháng chiến cứu quốc của dân tộc như: Anh hùng, liệt sĩ A Vầu; Anh hùng, liệt sĩ Cu Lối; Anh hùng Cu Trip; Anh hùng Hồ Vai; Anh hùng Kăn Lịch; Anh hùng Kăn Đơm; Anh hùng Bùi Hồ Dục; Anh hùng Hồ A Nun...

Cũng trong những tháng ngày kháng chiến chống Mỹ, An ninh vũ trang Bình Trị Thiên đã chiến đấu anh dũng trong lòng địch góp phần cùng toàn quân đánh tan tập đoàn phòng thủ của địch gồm 4.000 quân thiện chiến nhất của chúng tại chiến trường Huế này. Trên mọi ngả đường, trên mọi luồng sông của cố đô, người dân đổ ra đường mít tinh chào mừng đất nước hoàn toàn thống nhất. Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh, Quảng Bình đã kịp thời chi viện để An ninh vũ trang Trị Thiên Huế vừa tiến quân về chốt giữ các mục tiêu phía trước, vừa bảo vệ vững chắc tuyến sau, đồng thời góp phần đưa hơn 10 vạn dân từ Đà Nẵng - Huế trở về quê cũ và triển khai đồn trạm trên khu vực biên giới A Sầu, A Lưới.

Và hẳn là vì thế, theo ý kiến chủ quan của tôi, có lẽ, huyện A Lưới là một trong những vùng đất được trao tặng nhiều danh hiệu anh hùng nhất với 16 xã, thị trấn, 8 cá nhân, 19 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 12 bà mẹ Việt Nam anh hùng và huyện A Lưới cũng là huyện anh hùng... Khi đến với A Lưới, sẽ thấy được vì sao đất và người nơi đây lại đảm lược, kiên cường đến như vậy. Một hệ thống địa đạo chằng chịt được xây dựng bằng đôi tay quân dân A Lưới dọc tuyến đường Hồ Chí Minh cùng hệ thống hang động đã vang danh trong các trận đánh lớn như: A Đon, A Nôr, A Púc, A Ting, Còng A Pó, Động So A Túc, Cà Vá, Động Tiên Công, Kòng...

Hiện nay, địa bản biên giới đất liền của tỉnh là nơi có địa hình địa hình phức tạp, núi có bình độ từ 900 - 1.700m so với mặt nước biển và gần 10km đường biên chạy dọc theo sông A Lin... Trước đây, tuyến biên giới này đã được cắm mốc, song, khoảng cách khá xa, nhiều mốc do xây dựng bằng gạch nên ít nhiều bị hư hỏng. Do đó, khi triển khai Đề án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào vào năm 2008, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc và Đội cắm mốc để thực hiện Kế hoạch tổng thể được giao.

Ngày 31/5/2009, tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành khởi công xây dựng mốc đại 645 tại cửa khẩu Hồng Vân - Cô Tai, chính thức khởi động công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào trên thực địa. Tới năm 2012, công tác này của tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thành, xây dựng được 37 cột mốc gồm 2 mốc đại, 8 mốc trung, 27 mốc tiểu và 7 cọc dấu trên 84km biên giới, do 4 đơn vị Biên phòng tuyến núi là Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, Đồn Biên phòng Nhâm và Đồn Biên phòng Hương Nguyên quản lý, bảo vệ.

Quay trở lại với cột mốc đại 666 tại đường biên giới cửa khẩu A Đớt-Tà Vàng vào năm 2020, tôi đã được dự những đêm nhạc đắm say cùng đồng bào nơi biên khu xa xôi này. Đứng bên mốc tại giao điểm giữa đường giao thông và đường biên giới thuộc địa bàn xã A Đớt, huyện A Lưới tại điểm có độ cao 736,55m và tọa độ là 16.066609, 107.372009 được khánh thành vào tháng 11/2009, chợt thấy thấm thía biết bao điệu đàn Talư và bài A Dà lúc tha thiết nhớ thương, lúc trách hờn, nhớ lại giờ phút sôi động nhảy múa trong nhịp chiêng cồng, đàn Talư, khèn bè Ciên, đàn A-ben với điệu Hiê réo rắt... mừng ngày cột mốc khánh thành.

Cũng trong dịp đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã chính thức bàn giao cho Ủy ban chính quyền tỉnh Sê Kông 2 công trình do tỉnh đầu tư xây dựng giúp bạn gồm nhà Trạm Kiểm soát liên hợp Tà Vàng và đường công vụ từ cột mốc S10 đến Trạm Kiểm soát liên hợp Tà Vàng, với tổng trị giá hơn 3,1 tỷ đồng.

Khi đó, theo sự giới thiệu của đồng chí Lê Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Thừa Thiên Huế, tôi đến gặp Thượng tá Trần Ngọc Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt để hiểu thêm về những tháng ngày chung lưng đấu cật với các bạn Lào giữa chốn rừng sâu, nước độc để khảo sát tuyến hướng của đường biên cùng các vị trí mốc giới. Anh cho biết, để xác định được vị trí cắm mốc đã vất vả, nhưng để dựng được một cột mốc trên biên giới thì khổ gấp vạn lần.

Mọi người thường nói vui: “Kéo cột mốc như cha anh xưa kéo pháo vào trận địa” bởi các vị trí cắm mốc đều nằm trên đỉnh núi mà muốn lên đó chỉ cách phải bò. Để vận chuyển được một cột mốc, anh em phải lấy bao tải, chăn bông cũ bọc lại rồi kéo dần từng đoạn, có mốc phải vận chuyển theo cách đó tới cả tuần mới tới được nơi cần tới.

Đại tá Lê Văn Nguyên khẳng định: “Kể từ khi triển khai hoạch định, xây dựng tôn tạo, tăng dày hệ thống mốc quốc giới, đến công tác bảo vệ đường biên, cột mốc hôm nay, trên bước đường song hành nhiệm vụ, hai bên thường xuyên chia sẻ với nhau những đắng cay, ngọt bùi, vun đắp mối đoàn kết gắn bó keo sơn. Việc phối hợp bảo vệ đường biên, mốc giới có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo nhiều chuyển biến tích cực. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới hai bên được giữ ổn định, hoạt động của các loại tội phạm và các hành vi vi phạm Hiệp định về quy chế biên giới đều được phối hợp ngăn chặn kịp thời. Ý thức chấp hành pháp luật về biên giới của nhân dân được nâng cao”.

Đứng trên đỉnh La Tưng trập trùng đua cùng mây bay, phóng tầm mắt nhìn sang bên kia biên giới, càng ấm lòng hơn, xúc động tự hào hơn khi thấy bản nghèo Ka Lô phiêu dạt năm xưa giờ đây đã có hơn 40 ngôi nhà được xây mới. Điện đã về với bản, những đứa trẻ con trong bản đứa nào cũng háo hức bởi từ khi có điện, chúng được xem tivi, thứ văn minh mà đời ông bà chưa bao giờ được biết. Những tâm tư, nguyện vọng của bà con đã được những người lính Biên phòng Thừa Thiên Huế lắng nghe, ghi nhớ rồi báo cáo cấp trên hỗ trợ xây dựng một cụm bản Ka Lô với đầy đủ cơ sở hạ tầng. Những thành quả ấy là khởi nguồn từ trái tim người lính, tạo nên sức mạnh, củng cố thêm niềm tin giúp nhân dân vượt qua những khó khăn trong hành trình thoát nghèo, vươn lên làm chủ cuộc sống. Nhìn nụ cười của hàng trăm bà con bản Ka Lô hồn hậu, tôi bất giác trân trọng biết bao những cống hiến của những cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên Huế đã mang lại một sinh khí mới cho vùng đất xa xôi, gian khó này.

Tạm biệt A Lưới sau khi đã tham dự một sự kiện vô cùng ý nghĩa của thanh niên hai nước, tôi lưu giữa trong tim mình trọn vẹn hình ảnh của những người lính Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt và Đồn Công an Tà Vàng, Công an tỉnh Sê Kông, Đại đội bảo vệ biên giới 531, Bộ Chỉ huy Quân sự huyện Sê Kông, Lào chung tay lau rửa cột mốc 666, vệ sinh khu vực quanh mốc. Xúc động biết bao khi tiếng nhạc quốc ca cất lên trong lễ chào cờ trang trọng, những người trẻ như hoa rừng bên sông A Lin, cường tráng như cây rừng trên núi Ta Lưng đứng bên cột mốc. Họ đã và đang dâng hiến tuổi xuân cho A Lưới, cho biên cương no ấm, đẹp giàu và tiếp tục thắt chặt hơn tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai Quân đội Việt Nam - Lào.

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO