Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 09:04 GMT+7

Về Lai Châu gặp những tinh hoa “nắm giữ” di sản văn hóa dân tộc

Biên phòng - Lai Châu - miền đất địa đầu phía Tây Bắc, nơi có 20 dân tộc cư trú. Mỗi dân tộc là một kho tàng văn hóa dân gian riêng có. Được cho là “bảo bối”, nắm giữ những “túi khôn” của dân tộc mình, đó là các nghệ nhân dân gian - những người đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ hôm nay.

Bất cứ độ tuổi nào, chỉ cần yêu hát Then - đàn tính, muốn học là NNƯT Lò Văn Sơi sẵn sàng chỉ dạy tận tình. Ảnh: Ngọc Ánh

Hát Then - đàn tính, sợi dây nối quá khứ và hiện tại

Người được bà con dân tộc Thái ở Than Uyên ví như “báu vật sống” nắm giữ những tinh hoa di sản văn hóa của dân tộc mình. Người được bản mường gửi lời thỉnh cầu vào ngày làm lý cho hạt thóc xuống đồng trong Lễ hội “lùng tùng”, người được nhắc tên nhiều đó là Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Lò Văn Sơi, hội viên Hội Thái học Việt Nam.

Nặng lòng với văn hóa dân tộc, nhiều năm ròng, ông Sơi đã dành bao tâm huyết để khởi xướng giữ gìn và bảo tồn nghệ thuật hát Then - đàn tính. Với những người cao niên dân tộc Thái ở Than Uyên, lời ca trong Then là sự giao hòa giữa con người với đất trời và thiên nhiên, đồng thời thể hiện ước nguyện khát khao của con người về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Câu lạc bộ hát Then - đàn tính do NNƯT Lò Văn Sơi vận động thành lập đã được 10 năm. Từ một vài thành viên ban đầu, đến nay, câu lạc bộ có hơn 20 thành viên đủ độ tuổi sinh hoạt thường xuyên. Từ khi bàn giao câu lạc bộ cho lớp trẻ hoạt động, thời gian và công sức ông dành hết cho việc nghiên cứu viết sách về văn hóa Thái và chế tác đàn tính.

Vốn am hiểu dân ca, dân vũ truyền thống, nghệ nhân Lò Văn Sơi không chỉ truyền dạy hát Then - đàn tính, mà còn đóng góp rất lớn trong việc bảo tồn các làn điệu Then cổ của dân tộc mình. Nhiều cuốn sách của ông xuất bản có số trang đồ sộ, được ví như "từ điển sống" về văn hóa Thái như: Then Thái Lai Châu, Tập tục xây dựng bản Mường...

“Xưa hát Then thường vang lên trong các nghi lễ đi tìm hồn người ốm, với mục đích chữa bệnh, cầu an, xin con, xin tên, xin sức khỏe... Nay lời Then mở rộng biên độ hơn về đề tài, mang đậm hơi thở cuộc sống mới. Nhiều bài Then mới được đặt lời với chủ đề ca ngợi quê hương đất nước, mừng Đảng, mừng Xuân, ghi công ơn Bác Hồ, xây dựng nông thôn mới... Trải qua thời gian, hát Then xứng danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bởi trong đó có những giá trị văn học, nghệ thuật ngàn đời của ông cha chưa bao giờ cũ...” - ông Sơi chia sẻ.

Hát dân ca để thêm yêu đất mới

Về huyện Nậm Nhùn hỏi ai hát dân ca hay, chơi tính tẩu giỏi, mọi người đều nói, “chỉ có ông Lâm Văn Điện, bản Nậm Ty, xã Nậm Hàng thôi!”. Bà con ở bản Thái nơi này ví ông như cây thông lớn trong rừng già, ngón đàn và lời hát khi ông cất lên như trống giục, hiệu triệu mọi người, là thanh âm của ngày hội đại đoàn kết các dân tộc.

Trước đây, bản Nậm Ty vốn thuộc đất Mường Tè, năm 2011, huyện Nậm Nhùn được thành lập, Nậm Ty trở thành vùng đất cửa ngõ của huyện mới Nậm Nhùn. Năm 2017, Nậm Ty rời bản theo chương trình tái định cư Thủy điện Lai Châu. Lên nơi ở mới, được Đảng, Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, đồng bộ, nhưng ai cũng buồn vì nỗi nhớ nơi ở cũ. Cùng với nhịp sống hiện đại, nhiều nét văn hóa bản địa dường như đang dần mai một. Trước thực trạng trên, ông Lâm Văn Điện, vốn là thầy Then, được mọi người kính trọng, ông tìm đến từng nhà tập hợp các cao niên và những người yêu văn hóa Thái thành lập đội văn nghệ. Cũng từ đó, bản mới vui hơn nhờ tiếng đàn tính tẩu cùng những điệu dân ca, dân vũ do thầy Then Lâm Văn Điện cầm trịch.

Qua các hội thi, các kỳ liên hoan hát dân ca, hát Then - đàn tính, đội văn nghệ bản Nậm Ty giành nhiều giải thưởng cao. Kể từ đó, ông Lâm Văn Điện và đội văn nghệ bản Nậm Ty được nhiều người biết đến. Như cháy lên ngọn lửa truyền thống, phong trào chơi tính tẩu, học nhạc cụ dân tộc ngày càng lan tỏa. Mỗi khi nông nhàn, ông Lâm Văn Điện lại lên rừng tìm gỗ về chế tác đàn tính. Mỗi năm có đến vài chục cây đàn tính do ông chế tác ra, được bà con người Thái mọi miền tìm đến sưu tầm.

Sinh ra và lớn lên tại bản Seo Hai, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, từ nhỏ, bà Hù Cố Xuân (dân tộc Si La) đã được các cao niên truyền dạy các làn điệu dân ca cổ. Chính nhờ những vốn văn hóa truyền thống ấy, bà Xuân như sợi dây bện chặt mối đoàn kết dân tộc mình ngày một khăng khít hơn.

Năm 2014, hơn 420 nhân khẩu người Si La từ bên kia sông Đà về nơi ở mới theo chương trình tái định cư Thủy điện Sơn La. Ổn cư trên bản mới, nhưng người dân Si La vẫn mang trong mình tâm trạng buồn rầu vì nhớ bản cũ. Để vơi đi nỗi nhớ, bà Hù Cố Xuân đã tập hợp mọi người lại cùng diễn xướng những vũ điệu, dân ca truyền thống.

Không chỉ hát, múa các làn điệu cổ, bà Xuân còn cùng các cao niên trong bản cải biên, đặt lời mới cho dân ca dân tộc mình. Từ đây, nhiều bài hát, điệu múa mới dựa trên chất liệu dân ca Si La phù hợp cuộc sống mới như: Hát ru đêm trăng, Múa mừng ngày mùa, Hát mừng Đảng, mừng Xuân, Múa mừng bản mới... ra đời.

Các bài hát mới được bà con hân hoan đón nhận và tại nhà văn hóa bản, đội văn nghệ Can Hồ được mọi người trông đợi hằng đêm. Được bà con ủng hộ, bà Xuân cùng đội văn nghệ không ngừng sáng tác, dàn dựng nhiều tiết mục múa mới trình diễn ngay tại sân khấu bản để người dân thưởng thức. Nhiều tiết mục của đội văn nghệ Can Hồ đã tham gia tại các cuộc giao lưu dân ca trong và ngoài tỉnh.

Không chỉ say mê truyền dạy những làn điệu dân ca truyền thống, bà Xuân còn cộng tác với các thành viên của Bảo tàng Văn hóa và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, tham gia nghiên cứu, biên soạn, xuất bản nhiều công trình văn hóa có giá trị về người Si La ở Lai Châu.

Với tình yêu gắn bó trên miền đất mới, cùng những cống hiến của mình trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa phi vật thể của dân tộc mình, tháng 3/2019, các nghệ nhân Hù Cố Xuân, Lâm Văn Điện vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu NNƯT.

Ngọc Ánh

Bình luận

ZALO