Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 06/07/2024 02:57 GMT+7

Về làng cát

Biên phòng - Thực hiện kế hoạch "Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo" của Thường vụ Tỉnh ủy, từ giữa năm 2014, BĐBP Phú Yên đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị triển khai lực lượng về xã nghèo Hòa Hiệp Nam, địa bàn thuộc vùng bãi ngang huyện Đông Hòa, để khảo sát, xây dựng chương trình, kế hoạch giúp đỡ các hộ nghèo. Từ đó đến nay, hình ảnh cán bộ, chiến sỹ BĐBP càng ngày thêm gần gũi, thân thương nơi làng cát, là động lực để bà con quyết tâm phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.

87lb_10a-1.JPG
Thăm mô hình chăn nuôi của hộ nghèo do Phòng Chính trị, BĐBP Phú Yên nhận đỡ đầu, Đại tá Nguyễn Trọng Huyền (thứ hai từ trái sang) nhắc nhở đơn vị tiếp tục đồng hành cùng người dân thoát nghèo.
 
Về vùng gió cát

Trên chuyến xe của Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên về thăm làng biển Hòa Hiệp Nam trong buổi sáng trung tuần tháng giêng, tôi cảm nhận được không khí mùa xuân vẫn còn lan tỏa trên khắp những con đường làng, ngõ xóm và cả trên gương mặt rạng ngời của người dân ở vùng gió cát này.

Đón chúng tôi, anh Huỳnh Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hiệp Nam phấn khởi: "Năm nay, những gia đình nghèo của xã Hòa Hiệp Nam được BĐBP nhận giúp đỡ, đã ăn một cái Tết rất ấm áp, vui vẻ". Người Bí thư Đảng ủy cũng cho biết, ngoài phần gạo hỗ trợ của Nhà nước cùng phần quà của các đơn vị, tổ chức gửi đến, đã được xã phân phát như mọi năm, Tết năm nay, cán bộ, chiến sỹ BĐBP còn xuống thăm và trao quà cho 15 hộ nghèo mà các anh nhận đỡ đầu. Nhờ đó, nhiều gia đình ăn Tết khá đầy đủ.

Vượt con đường ngập lún cát trắng ở cuối thôn Đa Ngư, chúng tôi đến thăm ngôi nhà mới xây của anh Trương Nhất. Gặp chúng tôi, một người hàng xóm hồ hởi thông báo: "Năm nay, được đón Tết đầu tiên trong nhà mới, lại có  nhiều quà bánh của anh em BĐBP tặng, cả nhà anh Nhất ăn Tết vui lắm. Mấy cháu nhỏ ca hát ríu rít suốt". Nhìn những chậu hoa vạn thọ vàng ươm, căng tròn trước sân, cảm nhận niềm hạnh phúc ấm áp của những người chủ căn nhà, chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động.

Anh Sáu Hay, một cán bộ Ban Chính sách xã cho biết thêm, nhà xây trên diện tích 30m2, mái ngói, kết cấu 2 gian với tổng trị giá trên 40 triệu đồng. "Chừng ấy thôi, nhưng đối với vợ chồng anh Nhất, nó như một giấc mơ lớn. Điều ý nghĩa hơn, từ khi có nhà mới, 3 cháu càng chăm chỉ, quyết tâm học tập. Kết thúc học kỳ vừa rồi, cả 3 cháu đều được giấy khen về thành tích cao trong học tập"- Anh Sáu Hay nói.

Đi thẳng ra sau vườn, chúng tôi gặp chị Phi, vợ anh Nhất đang chăm sóc 3 con heo trong chuồng mà Phòng Chính trị, BĐBP Phú Yên trao tặng hơn 2 tháng trước. Chị vui vẻ nói: "Với đà này, chăm thêm 3 tháng nữa là cho heo xuất chuồng. Năm nay, vợ chồng mình cố nhân đàn heo lên gấp đôi, rồi tăng thêm đàn gà, vịt, tích góp dần khoản dư để trả nợ. Từ bây giờ, chuyện làm ăn đã ổn định, bọn nhỏ sẽ chuyên tâm lo việc học hành không còn phải đi bóc hạt điều phụ kiếm tiền. Nhất định nhà mình sẽ phấn đấu vươn lên, không để lụn bại nữa".

Với chị Phi, bây giờ nhìn về tương lai đã thấy ánh sáng hy vọng, nhưng một năm trước là một khoảng mịt mù, bế tắc. Chị Phi kể, hai vợ chồng không có nghề nghiệp, việc làm thuê bấp bênh, thu nhập thấp, chị lại đau ốm triền miên. Lần mổ tại TP Hồ Chí Minh năm ngoái là "cú hất" cuối cùng khiến gia đình ngã qụy, tưởng không thể cất đầu lên. Ra viện, chị trở về với thân thể xanh xao, gầy yếu và khoản nợ gần 80 triệu đồng. Giữa mùa mưa, căn nhà mái tôn rách bươm bị dột, nước chảy tong tong. Nhìn 3 đứa con túm mấy tấm nhựa cũ tìm chỗ ngồi học, ngực chị thắt lại.

Giữa lúc ấy, Phòng Chính trị, BĐBP Phú Yên đã đến nhận đỡ đầu, đem nguồn tiền vận động được, giúp vợ chồng chị 40 triệu đồng dựng lại căn nhà. Nhà xây vừa xong, anh em lại bàn chuyện phát triển kinh tế, cử người giúp gia đình làm chuồng trại, rồi góp tiền mua tặng 3 con heo. Đều đặn mỗi tháng, cán bộ của Phòng đến thăm, đưa thêm cám, hoặc rau củ cho heo. "Nhờ có con giống tốt, heo lớn rất nhanh. Hôm Tết, nhiều người đến thăm gia đình, nhìn thấy đàn heo, ai cũng trầm trồ, cả nhà phấn khởi lắm"- Chị Phi vui vẻ kể.

Nằm hướng mặt ra sông Đà Nông, ngôi nhà mới của chị Nguyễn Thị Hạnh, thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, hộ nghèo do Chi bộ Văn phòng cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên nhận đỡ đầu, có diện tích chừng 25m2, nhưng khang trang, thoáng mát. Đưa chúng tôi đến thăm gia đình, Trung tá Lê Văn Chiến, Chánh Văn phòng phấn chấn nói vui: "Nhà được dựng lên ngay trong mùa mưa bão, hết sức khó khăn, nhưng bù lại, nó chứa cả tình thương của anh em Văn phòng với gia đình".

Theo anh Chiến, ngày mới nhận đỡ đầu gia đình, anh em xót xa khi nhìn cảnh hai vợ chồng chị Hạnh với 3 đứa con đang sống tạm bợ nơi căn bếp lợp bằng lá dừa sau nhà bố mẹ chồng. Sau lần bị tai nạn giao thông, chồng chị Hạnh mang trong mình nhiều bệnh tật, không thể làm lụng kiếm sống. Chị Hạnh mỗi ngày chạy chợ mua bán cá, đan lưới, gánh thuê kiếm vài chục ngàn đồng.

"Trong điều kiện đó, mục tiêu đưa gia đình thoát nghèo theo chỉ tiêu chung không dễ thực hiện. Dù vậy, anh em xác định, vẫn cứ nỗ lực đưa cuộc sống gia đình chị Hạnh nhích dần lên từng bước. Đặc biệt, không để chuyện học hành của các cháu nhỏ bị gián đoạn"- Anh Chiến nói.

Chị Hạnh cho biết, nhà khánh thành đến nay tròn 4 tháng, cũng chừng ấy thời gian chị đã bớt nhọc nhằn, vì "nhà cửa mát mẻ, các cháu nhỏ bớt đau ốm lặt vặt". Từ ngày có BĐBP đến giúp đỡ, bà con trong xóm cũng xúm xít tham gia, của ít, lòng nhiều, đóng góp giúp chị. Tết năm nay, cả nhà rộn ràng, bánh kẹo, lương thực, thực phẩm cho các con cũng dư dả. "Vẫn chưa hết khó khăn, nhưng có anh em BĐBP giúp đỡ, mình thấy không còn lo lắng nữa"- Chị Hạnh bùi ngùi tâm sự.

Cùng với gia đình anh Nhất, chị Hạnh, hiện, tại làng cát Hòa Hiệp Nam còn có 13 hộ nghèo khác được các phòng, đơn vị của BĐBP Phú Yên nhận đỡ đầu để thoát nghèo.

Tập trung toàn lực, vực dậy quê nghèo

Trên đường cùng về thăm làng cát, chúng tôi cảm nhận rõ niềm xúc động của Đại tá Nguyễn Trọng Huyền, Chỉ huy trưởng BĐBP Phú Yên, khi anh tận mắt thấy những dấu hiệu "chuyển mình" khả quan trong cuộc sống của các hộ nghèo được BĐBP giúp đỡ. Chỉ huy trưởng tâm sự, khi nhận được chủ trương giúp đỡ xã nghèo, hộ nghèo của Tỉnh ủy, BĐBP rất vui mừng, tâm đắc.

Đặc biệt, trong kế hoạch này, lực lượng BĐBP được Tỉnh ủy phân công về giúp xã Hòa Hiệp Nam, một xã bãi ngang nghèo, chỉ toàn gió và cát, nhưng đây cũng là địa bàn mà bất kỳ người dân nào cũng hết lòng gắn kết, ủng hộ BĐBP. Chủ trương này giúp BĐBP có điều kiện tập trung toàn lực, cùng với Đảng ủy, chính quyền địa phương vực dậy đời sống người dân.

Với hơn 300 hộ nghèo, Hòa Hiệp Nam là xã bãi ngang ven biển có số hộ nghèo đông nhất toàn huyện Đông Hòa. Cơ sở hạ tầng trong xã nhiều khu vực vẫn chưa được đầu tư, nâng cấp hoàn thiện. Đặc biệt, hệ thống giao thông nông thôn, phần lớn các tuyến đường trong xã còn gập ghềnh đá cấp phối, nhiều con đường cát lún khiến việc đi lại rất khó khăn. Ngoài một số ít gia đình có tàu thuyền hành nghề khai thác thủy sản, nơi đây là vùng cát trắng ven biển nên không thể phát triển kinh tế từ cây trồng, đa phần người dân đi làm thuê, nhiều trẻ em các hộ nghèo đứng trước nguy cơ bỏ học.

ql41_10b-1.JPG
Niềm vui của chị Nguyễn Thị Phi khi đón BĐBP Phú Yên đến thăm trong ngày đầu năm. 
 
Theo Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hiệp Nam - ông Huỳnh Văn Dũng, ngoài việc tập trung lực lượng cùng với địa phương củng cố, bê-tông hóa đường giao thông, lắp hệ thống điện chiếu sáng trên các tuyến đường, chỉnh trang nhiều khu sinh hoạt cộng đồng trong thôn xóm, BĐBP phân công từng nhóm cán bộ, chiến sỹ, phòng, ban nhận đỡ đầu các gia đình nghèo. Ban đầu, chọn 15 hộ nghèo để triển khai thí điểm, giúp xây dựng mô hình kinh tế theo lối "cầm tay chỉ việc".

Anh Dũng kể, BĐBP đến với các hộ, cùng ở, cùng làm, chứng kiến thực tế cuộc sống, hiểu tường tận khó khăn của người dân. Các anh đã đến gặp cán bộ địa phương bàn bạc, trăn trở suy tính nhiều ngày để tìm ra giải pháp phát triển kinh tế phù hợp. Chẳng hạn, hộ có đất, có điều kiện tổ chức chăn nuôi, trồng trọt thì sẽ giúp chọn cây giống, vật nuôi, xây dựng chuồng trại, hỗ trợ con giống tốt. Hộ không đất thì BĐBP nỗ lực đi tìm cho họ việc làm.

Có phòng, ban đã cử cán bộ đến các khu công nghiệp, đứng ra cam kết bảo trợ để vận động nhà máy nhận người dân vào làm công nhân, giúp họ có thu nhập ổn định. Làm tới đâu, anh em xem xét, đánh giá đúng hiệu quả tới đó, xem có thật sự tốt chưa chứ không phải làm cho có lệ để ghi thành tích.

"Tiền hỗ trợ, nguồn lực vật chất là một phần, song điều có ý nghĩa hơn, khi người dân nghèo trong cái vòng lẩn quẩn khó khăn, bế tắc, sự kề cận hỗ trợ của BĐBP vừa động viên, vừa định hướng cách làm ăn đã giúp họ giải tỏa bi quan, thêm động lực, niềm tin để vươn lên, xoay chuyển cuộc sống" - Người Bí thư Đảng ủy bộc bạch.

Tôi biết, phía trước, công cuộc vượt nghèo của người dân làng cát vẫn còn là một chặng đường dài đầy gian nan, nhọc nhằn. Song, trên hành trình đó, người dân nghèo làng cát đã ấm lòng, vững tin hơn, quyết tâm hơn, bởi đã có những người lính Biên phòng luôn sát cánh, đồng hành cùng họ vượt nghèo.

Phương Oanh

Bình luận

ZALO