Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 04:16 GMT+7

Về "miền cổ tích"

Biên phòng - Nhìn lại chặng đường phát triển của xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum từ ngày đổi mới đến nay nhiều người ngỡ ngàng bởi sự đổi thay lớn lao từng ngày. Ẩn sâu giữa đại ngàn biên giới, Mô Rai những năm 80 của thế kỷ trước tựa như “ốc đảo” nằm cách biệt với phần còn lại. Ở đó, nhịp sống cộng đồng cứ chậm rãi trôi qua trong "miền cổ tích", với những nếp nghĩ, cách làm nửa như thật, nửa như mơ.

Quân và dân vùng biên giới Mô Rai trong Chương trình "Xuân BP ấm lòng dân bản" năm 2023. Ảnh: Thái Kim Nga

Mô Rai hôm nay là bức tranh hoàn toàn khác biệt, tươi mới, năng động và phát triển hơn. Mặc dù vậy, với những ai gắn bó với đất rừng biên giới qua hai thế hệ, chắc chắn sẽ nhìn thấy nơi đây sự đồng điệu trong bước chân người lính Cụ Hồ dọc theo cung đường mang tên Bác...

“Miền cổ tích” trên cung đường mang tên Bác

Có thể nói, thuở còn “ẩn mình” giữa ngàn xanh, lính Biên phòng (BP) là những người đồng hành gần gũi, thân thương nhất của bà con nhân dân xã Mô Rai. Tình quân dân thân thương đến độ, dọc con đường huyền thoại mang tên Bác (đoạn qua Vườn quốc gia Chư Mom Ray) trên thực tế chỉ có 7 ngôi làng người dân tộc thiểu số tại chỗ, nhưng trong suy nghĩ của các chủ nhân nơi đây thì vẫn còn “người anh em” đến từ Đồn BP Mo Rai (BĐBP Kon Tum). Giữa “ốc đảo” mênh mông, quân và dân nơi biên giới cứ thế quây quần bên nhau vượt khó, với biết bao câu chuyện lay động lòng người.

Bên cạnh việc đồng hành giúp đỡ bà con lao động sản xuất, từng bước vượt qua đói nghèo, Đồn BP Mo Rai đẩy mạnh chương trình phối hợp với các ngành, tập trung xóa bỏ vùng trắng trên cả 3 “mặt trận” văn hóa, y tế, giáo dục. Nói một cách hình tượng, 3 lĩnh vực này có mối liên hệ “thuận buồm xuôi gió” với nhau, rất quan trọng nhưng lại là “yếu huyệt” cần phải thay đổi của người Mô Rai lúc bấy giờ. Để xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, cần nhanh chóng cải thiện dân trí, mà muốn làm được việc này, phải thay đổi nếp nghĩ cách làm, chăm lo tốt sức khỏe cho nhân dân và ngược lại.

Công tác dân vận trên vai người lính BP cũng trở nên đa dạng hơn. Ai xuống địa bàn cũng phải “giỏi một việc, biết nhiều việc”, cống hiến bằng tất cả khả năng của mình: Nhân viên vận động quần chúng khi cần là xách túi quân y, lính trinh sát xuống địa bàn nắm tình hình, hay “thầy giáo quân hàm xanh” đang đứng lớp xóa mù chữ, nếu phát hiện hủ tục, truyền bá mê tín dị đoan là “xắn tay áo” vào vai cán bộ tuyên truyền văn hóa, cấp bách hơn thì cáng đáng luôn vai trò của “bà đỡ” trên cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng...

Có những vụ việc, tất cả chuyên ngành, từ cán bộ chỉ huy đến chiến sĩ trong đơn vị đều phải vào cuộc, căng thẳng, hồi hộp trên từng “nút thắt”, rồi thở phào nhẹ nhõm như đoạn phim hành động.

Câu chuyện giải cứu những đứa bé sơ sinh Y Đức, Y Thanh, A Lương ở làng Le, làng Tang thoát khỏi hủ tục “mẹ chết, con phải đi theo” là minh chứng điển hình của lòng nhiệt huyết, tình thương và trách nhiệm của người lính Cụ Hồ dành cho đồng bào trên cung đường mang tên Bác. Ở những “trận đánh” không tiếng súng này, mặc dù không ai là đối phương của nhau, không có kẻ thắng mà cũng chẳng có người thua, song lính BP Mo Rai phải rất can đảm, kiên trì và sắc sảo, thậm chí “đánh cược” luôn cả sự may rủi để giành giật những đứa trẻ sơ sinh vô tội từ tay “thần chết”.

Rồi, khi đã mang được những sinh linh nhỏ bé kia ra khỏi nếp nghĩ cố hữu của lệ làng, phải nuôi nấng các cháu ra sao khi xung quanh toàn là... bộ đội mà lại thiếu vắng hơi ấm của người mẹ. Bởi nếu gặp “trục trặc” ở công đoạn này, coi như “bộ đội không thắng được... con ma”, mọi nỗ lực xóa tập tục lạc hậu trước đó phải bỏ sông, bỏ bể. Mặc dù vậy, cuộc sống luôn tồn tại những phép nhiệm màu, để khi lính BP mang đứa trẻ bằng da bằng thịt về cho buôn làng, họ đã trở thành những “tiên ông” bước ra từ câu chuyện cổ tích.

Mô Rai nửa như thực, nửa như mơ là thế, mượt mà tinh khôi nhưng cũng đầy chai sần gai góc. Giữa "miền cổ tích" ấy, sự hiện diện của người lính BP qua từng nét chữ đầu tiên, qua lời ca điệu múa giữa đêm đại ngàn mênh mông nơi cuối trời biên giới, hay những niềm vui và nỗi buồn thấp thoáng đâu đó trên non cao... đã trở thành điểm tựa để người Mô Rai vững bước đi qua vùng trắng, đón ánh bình minh.

Nguồn “năng lượng xanh” tiếp sức em đến trường

Câu chuyện của cậu bé A Ứng (dân tộc Jrai) ở làng Grập, con nuôi Đồn BP Mo Rai đã để lại trong tôi những cảm xúc thật khó diễn tả. Từ đứa trẻ mồ côi (cha mất, mẹ bỏ đi lấy chồng khác) còi cọc, kém phát triển, sống nhờ vào hũ gạo tình thương của đồn BP (trước khi được đơn vị nhận làm con nuôi), A Ứng giờ đây đã trở thành “trang thiếu niên” tuấn tú, nhanh nhẹn, hoạt bát và học giỏi.

Cậu bé A Ứng trong vòng tay yêu thương của người lính Đồn BP Mo Rai. Ảnh: Thái Kim Nga

Sống trong vòng tay người lính, bên cạnh việc duy trì giờ giấc ăn, nghỉ, sinh hoạt, học tập theo chế độ, cậu bé này rất có kỹ năng để trở thành “ngôi sao xanh” trong tương lai. Các môn thể thao đòi hỏi sự uyển chuyển và phản xạ nhanh như cầu lông, bóng chuyền, A Ứng có thể chơi ngang ngửa với những “tuyển thủ” trong đơn vị, 3 bài võ thể dục BP thì “chém” như gió, không lệch bất kỳ động tác nào. Giỏi như thế nhưng thi thoảng chiến sĩ BP “nhí” này vẫn bị phạt đứng cột cờ vì “vi phạm kỷ luật”...

Sự phát triển cả về năng lực và thể chất của A Ứng không chỉ mang lại niềm vui dành cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và người dân trên địa bàn, mà còn tạo niềm tin tưởng sâu sắc đối với lãnh đạo các cấp khi đến thăm xã biên giới Mô Rai.

Thiếu tá Hồ Hữu Ngạn, Chính trị viên Đồn BP Mo Rai chia sẻ: “Trong chuyến thăm, chúc Tết xã Mô Rai đầu năm 2023, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá rất cao mô hình "Con nuôi đồn BP" và mong muốn mô hình được nhân rộng để trẻ em nghèo vùng biên giới không chỉ được tiếp sức đến trường, mà còn trở thành nguồn nhân lực cho địa phương và lực lượng BĐBP trong tương lai. Với khả năng thực tại, chúng tôi tin cháu A Ứng sẽ còn phát triển hơn nữa, đáp ứng sự kỳ vọng của các đồng chí lãnh đạo. Tuy nhiên, sẽ là bài toán khó nếu thay đổi cách thức đồng hành, chuyển từ mô hình con nuôi sang hình thức nâng bước em tới trường khi cháu học ở bậc cao hơn...”.

Tôi hiểu sự trăn trở của Chính trị viên Đồn BP Mo Rai là có cơ sở. Vòng tay của người lính BP ấm áp nhưng chưa đủ rộng để có thể đồng hành cùng các cháu đi hết khoảng trời mơ ước. Cũng như năm xưa, họ đã làm những việc rất lạ từ tiếng gọi của trái tim để có thể tiếp thêm nguồn năng lượng cho các chủ nhân đất rừng biên giới. Nguồn năng lượng ấy chưa bao giờ vơi cạn, mà ngược lại, còn đầy hơn theo năm tháng. Bởi bên cạnh cậu bé mồ côi A Ứng ở làng Grập, địa bàn xã Mô Rai còn hơn 40 học sinh có hoàn cảnh khó khăn được các đơn vị Quân đội (Đồn BP Mo Rai và Công ty 78, Binh đoàn 15) tiếp sức trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”.

Cùng với đó là rất nhiều chương trình, mô hình giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị và đời sống văn hóa ở các khu dân cư biên giới do Quân đội chủ trì đã và đang phát huy tác dụng, góp phần giúp xã Mô Rai tiến nhanh hơn trên con đường xây dựng nông thôn mới.

Những cống hiến của người lính Cụ Hồ xưa và nay trên cung đường mang tên Bác chính là nguồn “năng lượng xanh” để Mô Rai đi lên từ "miền cổ tích".

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO