Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 10:17 GMT+7

Vẻ vang truyền thống Đoàn 180 An ninh vũ trang miền Nam

Biên phòng - Cách đây gần 53 năm, ngày 20-4-1968, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ quan và các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam, Đoàn 180 An ninh vũ trang (ANVT) miền Nam được thành lập. Suốt một chặng đường dài gian khổ, ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 180 ANVT miền Nam luôn chiến đấu, hy sinh với khẩu hiệu “Chỉ biết còn Đảng là còn mình”.

Các cựu chiến binh Đoàn 180 ANVT miền Nam và Ban Liên lạc truyền thống BĐBP thành phố Hồ Chí Minh viếng Bia tưởng niệm Đoàn 180 ANVT miền Nam tại Tân Biên, Tây Ninh. Ảnh: Đăng Bảy

Ra đời trong khói lửa chiến tranh

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Truyền thống BĐBP (3-3), cùng với nhiều hoạt động sôi nổi khác, các cựu chiến binh Đoàn 180 ANVT miền Nam lại “hành quân” lên huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh để viếng các anh hùng liệt sĩ và thắp hương tại Bia tưởng niệm Đoàn 180 ANVT miền Nam anh hùng. Đó là nơi ghi dấu sự ra đời, trưởng thành của đơn vị và gắn liền với những chiến công anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 180 ANVT miền Nam. Năm nay, vì tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên hoạt động đó đành tạm thời gác lại.

Từng là cán bộ của Đoàn 180 ANVT miền Nam từ những ngày đầu mới thành lập và có thời gian dài chiến đấu, công tác trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP), Đại tá Nguyễn Phong Giang, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP chia sẻ: “Tôi cảm thấy tự hào khi được chiến đấu, trưởng thành và có sự đóng góp nhỏ bé trong chiến công hiển hách của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đoàn 180 ANVT miền Nam. Mỗi khi có dịp trở lại nơi ra đời của đơn vị cũ, bao nhiêu kỷ niệm về một thời máu lửa trong tôi lại ùa về. Đó là những lần vượt suối, băng rừng, nằm bờ, ngủ bụi, là sự gian khổ, hy sinh... Và chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân”. Đại tá Nguyễn Phong Giang nhớ lại: “Xuất phát từ tình hình thực tế của cách mạng, để bảo vệ an toàn tuyệt đối Trung ương Cục miền Nam, năm 1968, tại căn cứ Bắc Tây Ninh (xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), Đoàn 180 ANVT miền Nam được thành lập. Lực lượng của đơn vị lúc đó được tuyển chọn từ lực lượng ANVT các đơn vị và Công an nhân dân vũ trang miền Bắc tăng cường”.

Ban đầu, đơn vị được tổ chức thành tổ, đội hoạt động biệt lập rồi từng bước phát triển thành trung đội, đại đội, tiểu đoàn hoạt động phân tán. Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn vững vàng bám trụ, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ với quân chủ lực, bộ đội địa phương và các lực lượng khác hình thành một vành đai đánh địch, bẻ gãy nhiều trận càn lớn, nhỏ, tiêu diệt nhiều biệt kích, thám báo của địch; bảo vệ an toàn tuyệt đối cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam, góp phần đưa cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước.

Sau chiến thắng Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng, ngày 8-4-1975, tại chiến trường miền Nam, Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh. Cùng thời gian này, Trung đoàn 180 ANVT miền Nam và Trinh sát vũ trang Tiểu ban bảo vệ chính trị an ninh Trung ương Cục Miền tổ chức tấn công hệ thống đồn bốt của địch từ Mỏ Công xuống ngã ba Vịnh, giải phóng hoàn toàn quốc lộ số 22 (thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh), mở rộng căn cứ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chuẩn bị lực lượng và tổ chức quân quản của các ngành Trung ương Cục vào chiếm lĩnh Sài Gòn - Gia Định.

Chỉ biết còn Đảng là còn mình

Đại tá Nguyễn Phong Giang nhớ lại: Trung ương Cục miền Nam mở Hội nghị khẩn cấp vào trung tuần tháng 4-1975. Đồng chí Phạm Hùng và đồng chí Nguyễn Văn Linh triệu tập đồng chí Lê Thanh, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 180 ANVT miền Nam (sau này là Trung tướng, Phó Tư lệnh BĐBP) lên giao nhiệm vụ bảo vệ các đoàn cán bộ Trung ương Cục, Mặt trận giải phóng miền Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tiến về tiếp quản Sài Gòn...

Với lời thề sắt son: Bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo của Đảng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quyết tâm tiêu diệt địch, chiếm lĩnh mục tiêu nhanh, gọn, ngày 30-4, cùng với các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, các đơn vị ANVT miền Nam đã chiếm lĩnh cơ quan Tổng nha Cảnh sát, Cảnh sát đặc biệt ngụy, Ngân hàng quốc gia ngụy, Nhà Đèn, khám Chí Hòa, Đại sứ Mỹ...

Sau khi Trung đoàn 18 Công an nhân dân vũ trang miền Bắc vào chi viện đến nơi, lực lượng ANVT miền Nam mở rộng diện tiếp quản thương cảng Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, kho xăng Nhà Bè. Ngay sau đó, theo điện của lãnh đạo Bộ Công an được đồng chí Cao Đăng Chiếm, Phó ban An ninh Miền, Phó Chủ tịch Ủy ban quân quản truyền đạt thì lực lượng ANVT miền Nam phải tập trung vào các nhiệm vụ chính như: Bố trí lực lượng thay các đơn vị quân đội tiếp quản, bảo vệ các mục tiêu trọng yếu; tham gia giữ gìn trật tự an ninh thành phố, thu hồi vũ khí, chất nổ; truy quét bọn tàn quân; trừng trị bọn tội phạm hình sự. Dù lực lượng ít, nhưng cán bộ, chiến sĩ ANVT miền Nam đã giữ nghiêm kỷ luật vùng mới giải phóng, có ý thức bảo vệ tốt hồ sơ, tài liệu của địch để các cơ quan chức năng đến tiếp quản...

Trong suốt quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu vô cùng mưu trí, dũng cảm. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đoàn 180 ANVT miền Nam đã chiến đấu 413 trận đánh lớn nhỏ, diệt và làm bị thương 4.720 tên địch, bắn rơi và bắn cháy 30 máy bay, diệt và phá 76 xe tăng, xe quân sự khác; thu 8.320 khẩu súng các loại, 76 máy vô tuyến điện, 15 tấn đạn dược và quân trang quân dụng khác; bảo vệ an toàn tuyệt đối các đồng chí lãnh đạo và cơ quan đầu não của cách mạng.

Ghi nhận những thành tích và chiến công của Đoàn 180 ANVT miền Nam, Đảng, Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 4 tập thể và 5 cá nhân; 200 cán bộ, chiến sĩ đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp trung đoàn; 400 cán bộ, chiến sĩ đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ quyết thắng, Dũng sĩ diệt cơ giới, Dũng sĩ diệt máy bay.

Ngày nay, nhắc đến Đoàn 180 ANVT miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là nhắc đến một lực lượng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc, nhân dân, bảo vệ vững chắc cơ quan đầu não Trung ương Cục miền Nam. Khi không cầm súng thì lao động, sản xuất, đào hầm, phục vụ bằng tất cả sức lực của mình.

Tuy phải sống, chiến đấu trong điều kiện gian khổ, ác liệt, nhưng vẫn đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau trong những lúc ốm đau, thương tật và luôn luôn học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, thể lực để bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh tụ. Dù phải hy sinh, gian khổ trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh, nhưng cán bộ, chiến sĩ Ðoàn 180 ANVT miền Nam luôn một lòng trung kiên với Ðảng, với cách mạng.

Sau ngày đại thắng 30-4-1975, Ðoàn 180 ANVT miền Nam được chuyển phiên hiệu thành Trung đoàn 180 Công an nhân dân vũ trang, tiếp tục tham gia chiến trường biên giới Tây Nam, góp phần xứng đáng vào công cuộc giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Ðã có hơn 400 cán bộ, chiến sĩ của Ðoàn hy sinh khi làm nhiệm vụ.

Đăng Bảy

Bình luận

ZALO