Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 29/06/2024 11:11 GMT+7

Vì lợi ích người lao động

Biên phòng - Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang trình 2 phương án về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Do mỗi phương án đều có ưu và nhược điểm riêng, do đó, Ủy ban Xã hội của Quốc hội lưu ý, phương án được lựa chọn phải bám sát tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương về cải cách chính sách BHXH, bảo đảm tính khả thi, sát thực tiễn và ổn định xã hội.

Ảnh: minh họa

Ngoài các trường hợp giải quyết hưởng BHXH một lần tương tự quy định tại Điều 60 của Luật BHXH hiện hành, đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) hiện đang trình 2 phương án:

Theo phương án 1, người lao động được chia làm 2 nhóm. Trong đó, Nhóm 1, tiếp tục được áp dụng hưởng BHXH một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động: Người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện. Nhóm 2, người lao động tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.

Với phương án 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Tham gia vào quá trình chỉnh lý, góp ý dự thảo Luật, nhiều chuyên gia cho rằng, phương án 1 có ưu điểm là cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây xáo trộn trong xã hội và không ảnh hưởng nhiều đến khoảng 18 triệu người đang tham gia BHXH; đồng thời, hướng tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về BHXH và cũng hạn chế được tình trạng một người tham gia BHXH có nhiều lần hưởng BHXH một lần như thời gian qua.

Về lâu dài, phương án này sẽ góp phần giúp tăng số người được thụ hưởng các chế độ của BHXH từ chính quá trình tích lũy thông qua tham gia BHXH và giảm gánh nặng cho cả xã hội, ngân sách Nhà nước sau này khi phải cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách, chế độ mang tính chất bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, phương án 1 không tránh khỏi sự so sánh giữa những người lao động tham gia trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực.

Đối với phương án 2, một số ý kiến ủng hộ, bởi không tạo sự khác biệt lớn giữa các đối tượng tham gia trước và sau khi Luật này có hiệu lực. Tuy nhiên, với việc quy định người lao động chỉ được giải quyết một phần thời gian đóng sẽ tạo cho người lao động có tâm lý bị giảm, hạn chế quyền lợi, điều này có thể dẫn đến tình trạng gia tăng đột biến số người đề nghị hưởng BHXH một lần trước khi Luật sửa đổi có hiệu lực thi hành và có thể dẫn đến phản ứng tập thể của người lao động. Phương án này cũng không giải quyết triệt để được việc rút BHXH một lần...

Thực tế, 2 năm qua, khi có thông tin sửa đổi Luật BHXH, đã có trên 1,2 triệu người hưởng BHXH một lần trong năm 2023. Dự kiến năm 2024, có khoảng 1,45 triệu người đề nghị hưởng BHXH một lần. Trước tình hình đó, BHXH Việt Nam đề nghị, cần sớm chốt phương án về BHXH một lần, tránh ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động.

Thiết nghĩ, giải pháp căn cơ, lâu dài để hạn chế tốt nhất việc người lao động phải lựa chọn việc hưởng BHXH một lần thì dù lựa chọn phương án nào cũng đều phải có thêm các giải pháp khác để giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh xã hội và bảo vệ đầy đủ quyền, lợi ích của người lao động. Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi, hoàn thiện phương án quy định về hưởng BHXH một lần trên tinh thần có lý, có tình, được đông đảo người lao động hiểu, đồng thuận và ủng hộ.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO