Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 11:30 GMT+7

Việt Nam cần ứng dụng công nghệ nuôi biển nào của Na Uy?

Biên phòng - Xuất phát điểm nuôi trồng thủy sản trên biển của Na Uy từ con số 0, người dân cũng bắt đầu cắm cọc, vây lưới nuôi cá kiểu “dã chiến” ven bờ. Rồi xảy ra tình trạng quá tải, lộn xộn, ô nhiễm môi trường, cá chết, không có thị trường tiêu thụ... Chính phủ Na Uy quyết định đầu tư nghiên cứu khoa học căn bản, phát triển công nghệ nuôi biển quy mô công nghiệp. Đến nay, Na Uy có trình độ nuôi biển đứng đầu thế giới, đang giúp Việt Nam xây dựng chính sách và chuyển giao công nghệ nuôi biển tiên tiến.

Ông Audun Sivertsen Fjeldvær. Ảnh: Hải Luận

“Tập đoàn của chúng tôi đã có chi nhánh tại Việt Nam nhiều năm rồi, chuyên cung ứng các vật tư và giải pháp nuôi biển quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Chẳng hạn, ở vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa có doanh nghiệp đã đầu tư 200 triệu USD nhập vật liệu và giải pháp nuôi cá của Na Uy, trở thành trại nuôi cá chẽm lớn nhất thế giới, sản lượng trên 12.000 tấn/năm, họ là khách hàng của công ty chúng tôi” - ông Audun Sivertsen Fjeldvær, Tổng Giám đốc Công ty ScaleAQ Seabased (chuyên về thiết bị, công nghệ nuôi biển) Na Uy trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Biên phòng.

Chính phủ hành động quyết liệt

- Người dân nuôi trồng thủy sản Việt Nam chủ yếu làm bè bằng gỗ, giá trị kinh tế thấp, sản lượng nuôi cũng không cao. Trong khi đó, người dân Na Uy giàu có, đủ tiềm lực để sắm những lồng nuôi đắt tiền. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Đây là câu hỏi của nhiều nước trên thế giới đưa ra, khi tập đoàn chúng tôi đến mở chi nhánh đại diện ở đó. Lịch sử phát triển ngành nuôi biển của Na Uy cũng giống như Việt Nam, lúc đầu, người dân Na Uy chỉ cắm những cái cọc, bao lưới xung quanh nuôi ở sát bờ. Sau thời gian có kinh nghiệm, họ mới làm bằng bè gỗ nhỏ, không biết cách quản lý môi trường nuôi. Thời kỳ này, ông nội tôi cũng làm bè nuôi trồng thủy sản theo kiểu đơn lẻ, yếu ớt, bị sóng biển tàn phá dẫn đến mất trắng.

Những năm 1980, người dân nuôi trồng thủy sản Na Uy cũng gặp tình cảnh như Việt Nam bây giờ, cá nuôi thường hay bị chết, thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Trước những bế tắc đó, Chính phủ đã hành động quyết liệt, yêu cầu các bộ, viện nghiên cứu, trường đại học, bắt tay nghiên cứu khoa học về quy trình nuôi, lựa chọn con giống tốt, liên tục thay đổi công nghệ làm lồng nuôi, các loại thuốc và vaccine phòng bệnh cho cá.

Vaccine dành cho cá biển ra đời đầu tiên trên thế giới ở Na Uy, được ví như cuộc cách mạng cho nuôi biển, người dân, doanh nghiệp tiếp cận ngay. Cá được phòng bệnh ngay từ nhỏ, ít bị dịch bệnh, sản lượng nuôi liên tục tăng cao, người nuôi có lợi nhuân tốt, tiếp tục mở rộng quy mô nuôi trồng. Chính phủ đưa ra chiến lược truyền thông sản phẩm nuôi biển ở cấp độ quốc gia, mở rộng kênh bán hàng ra thế giới. Hiện nay, cá hồi của Na Uy chiếm khoảng 70% thị phần cá hồi thế giới.

- Giá trị cá hồi cao, đầu tư vào lồng nuôi hiện đại không sợ bị thua lỗ. Vùng biển Việt Nam không nuôi được cá hồi, chỉ nuôi được một số loài giá trị kinh tế thấp. Vậy, giải bài toán này theo hướng nào cho hợp lý?

- Việt Nam có cá chẽm, được ví như “cá hồi vùng nhiệt đới”, bởi hàm lượng protein của cá chẽm gần bằng cá hồi. Công ty thủy sản Australis Việt Nam đang nuôi ở vịnh Vân Phong, lúc đầu chọn nhiều giống cá nuôi thử nghiệm, cuối cùng chỉ chọn cá chẽm đưa vào nuôi quy mô công nghiệp. Sản lượng từ 1.000 tấn/năm, hiện nay, đã tăng lên 12.000 tấn/năm, có 4 nhà máy chế biến tại tỉnh Khánh Hòa.

Cá chẽm Việt Nam được chế biến ra nhiều sản phẩm khác nhau, bán ở các cửa hàng tiện lợi, siêu thị tại Mỹ, Australia, Nhật Bản... Giá bán cũng gần bằng cá hồi. Cá chẽm chỉ mới chiếm 2% thị phần toàn thế giới, nếu Việt Nam nắm bắt cơ hội, đầu tư bài bản, phát triển ngành nuôi cá chẽm mạnh giống như cá hồi Na Uy.

Kênh đầu tư dài hạn

- Một số chuyên gia cho rằng: Ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam tạo ra sản lượng cao gấp gần 3 lần so với Na Uy, nhưng giá trị của sản phẩm lại chỉ bằng một nửa. Theo ông, cần giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Suốt thời gian dài, Việt Nam phát triển nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch. Chẳng hạn, lúc đầu, một vài hộ dân đầu tư nuôi có chút lãi, nhiều hộ khác nhảy vào làm theo, rồi cả xã, cả huyện cùng làm. Điển hình, ở các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu..., họ nuôi hàu, nuôi tôm, nuôi cá lẫn lộn với nhau trong một vùng biển, nhiều chỗ, mật độ nuôi dày đặc, rất dễ phát sinh dich bệnh, thủy sản chết hàng hoạt. Cuối năm, tính lại sổ sách đầu tư không có lãi, thậm chí bị lỗ.

Ở Na Uy, từ năm 1973, đã ban hành đạo luật nuôi trồng thủy sản, sửa đổi năm 1981, 1985, lần sửa đổi gần đây là năm 2006. Nuôi trồng thủy sản của Na Uy đang thay đổi rất mạnh, Chính phủ chuẩn bị sửa đổi lại luật nuôi trồng thủy sản. Tôi đưa ra những thông tin này để nói lên vấn đề nuôi trồng thủy sản chuyên nghiệp và nghiệp dư. Trong nuôi trồng thủy sản, yếu tố quan trọng nhất là đầu tư công nghệ để tiết kiệm được nhân lực, giảm rủi ro, đảm bảo an toàn sinh học cho trại nuôi và cả vùng biển.

Công ty thủy sản Australis Việt Nam đang nuôi cá chẽm ở vịnh Vân Phong, theo công nghệ của Na Uy. Ảnh: Hải Luận

- Theo ông, ngành nuôi trồng thủy sản trên biển của Việt Nam nên đi theo hướng nào là hợp lý?

- Với đặc điểm biển, đảo của Việt Nam và khả năng kinh tế đầu tư của người dân, cần chia ra ba cấp độ đầu tư nuôi biển. Thứ nhất, chuyển đổi mô hình người dân đang nuôi bè gỗ, ô lưới nhỏ, có khả năng chống chịu với sóng biển yếu ớt, sang làm bằng vật liệu ống nhựa chuyên nuôi biển. Cách làm này phù hợp với tài chính của đại bộ phận ngư dân đang nuôi trồng hiện nay.

Thứ hai, với doanh nghiệp nhỏ, tổng nguồn vốn khoảng 20 tỷ đồng, đầu tư làm trại nuôi với sản lượng cá thịt khoảng 200 - 300 tấn/năm, sau đó, mở rộng quy mô nuôi trồng ra nhiều lồng nuôi lớn hơn. Thứ ba, doanh nghiệp lớn, vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, đóng tàu lớn, sắm lồng lớn nuôi ở vùng biển xa bờ. Hiện nay, công nghệ làm lồng, lưới nuôi, hệ thống neo cố định, có thể chịu được gió bão.

Cần phải xác định rõ, đầu tư nuôi biển quy mô công nghiệp là kênh đầu tư dài hạn, sau nhiều năm mới thu hồi vốn và sinh lợi nhuận cao. Việt Nam cần làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch vùng nuôi trồng trên biển. Tất cả các lồng, bè phải được cấp phép khu vực nuôi, quản lý hệ thống môi trường sinh thái. Nếu cứ để mạnh ai người đó làm, mạnh ai người đó xả thải, chẳng bao lâu, nguồn nước sẽ bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến cả vùng nuôi trồng. Và hiện nay vùng ven bờ ở một số tỉnh đang quá tải, chưa có giải pháp xử lý là bài học.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Hải Luận (thực hiện)

Bình luận

ZALO