Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 09:04 GMT+7

Việt Nam đạt được những thành tựu rất quan trọng

Biên phòng - Đặt trong bối cảnh toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Đây là điểm sáng rõ nét nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề ra. Kết quả phát triển kinh tế với những dấu ấn nổi bật trong 5 năm qua đã tô đậm thêm thành tựu của 35 năm đổi mới.

Kết thúc năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Ảnh: Hồ Phúc

Trong 5 năm qua, bối cảnh khu vực và thế giới có những yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen, diễn biến phức tạp hơn so với dự báo, tác động đến phát triển kinh tế-xã hội nước ta. Đặc biệt, năm 2020, đại dịch Covid-19 chưa từng có trong nhiều thập kỷ xảy ra trên toàn cầu ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới tất cả các lĩnh vực. Trong nước, thiên tai, dịch bệnh diễn biến bất thường.

Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân, nước ta đã vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất

Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, giai đoạn 2016-2020, kinh tế nước ta tăng trưởng vững chắc và ngày càng được cải thiện. Mặc dù kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng dương 2,91%, thuộc nhóm nước cao nhất thế giới trong năm 2020. Tính chung, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm (2016-2020) ước đạt khoảng 5,9% và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Việt Nam cũng lọt vào top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới theo bầu chọn của tạp chí The Economist.

Bội chi ngân sách Nhà nước năm 2020 ước khoảng 248,5 nghìn tỷ đồng, dưới 4% GDP. Tính chung giai đoạn 2016-2020, bội chi ngân sách Nhà nước bình quân khoảng 3,6% GDP. Đến cuối năm 2020, dư nợ công khoảng 55,8% GDP, nợ Chính phủ khoảng 49,6% GDP, trong phạm vi giới hạn cho phép. Đây là những con số rất có ý nghĩa, thể hiện sự vững mạnh của nền tài chính quốc gia trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Quy mô nền kinh tế nước ta tiếp tục được mở rộng, đến năm 2020 ước đạt 268,4 tỉ USD, tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015. GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 2.750USD/người, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015. Nhờ các giải pháp linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, giá cả các mặt hàng diễn biến tương đối ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt khoảng 4%, giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015 (7,65%), trong phạm vi mục tiêu đề ra (dưới 4%). Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục, tăng từ mức 28 tỉ USD năm 2015 lên trên 80 tỉ USD vào cuối năm 2020.

Với quyết tâm cao, Việt Nam đã quyết liệt thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó, mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt. Giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, xuất khẩu thô, lao động nhân công giá rẻ và mở rộng tín dụng, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các lĩnh vực trọng tâm của nền kinh tế được cơ cấu lại một cách quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng theo hướng tăng cường liên kết, kết nối vùng, các tiểu vùng; tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, bước đầu gắn kết với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nông thôn

Hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới

Giai đoạn 2016-2020 đánh dấu một bước chuyển quan trọng của Việt Nam trong hội nhập kinh tế toàn cầu từ thế bị động sang chủ động trong việc lựa chọn đối tác cũng như đàm phán các điều khoản trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Đặc biệt, Việt Nam có sự chuyển đổi về chất trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới với việc tham gia các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao hơn.

Trong lĩnh vực thu hút đầu tư, với những chính sách linh hoạt và cơ chế thông thoáng, trong 5 năm qua, Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh và đạt mức kỷ lục là 39 tỉ USD (năm 2019). Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tổng vốn FDI đăng ký ước đạt khoảng 173 - 174 tỉ USD, trong khi đó, vốn thực hiện ước đạt khoảng 92 - 93 tỉ USD (giai đoạn 2011-2015, tổng vốn FDI đăng ký đạt khoảng 100,3 tỉ USD, vốn thực hiện đạt gần 60 tỉ USD).

Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia ký kết 16 hiệp định FTA, trong đó, Việt Nam chính thức đưa vào thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 14-1-2019 và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) có hiệu lực vào ngày 1-8-2020. Đây là các đối tác thương mại hàng đầu thế giới.

Nhìn một cách tổng thể, cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại tự do với hầu hết các nước đối tác quan trọng nhất trên thế giới. Việc ký kết các FTA đã củng cố vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhờ đó, cán cân xuất, nhập khẩu hàng hóa được cải thiện rõ rệt, chuyển từ thâm hụt sang thặng dư, cơ cấu xuất, nhập khẩu chuyển dịch tích cực, bền vững hơn.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 1,7 lần, từ 327,8 tỉ USD năm 2015 lên khoảng 517 tỉ USD năm 2019. Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn đạt khoảng 527 tỉ USD, tương đương trên 190% GDP. Xuất khẩu hàng hóa tăng từ 162 tỉ USD năm 2015 lên khoảng 267 tỉ USD năm 2020, tăng bình quân 10,5%/năm giai đoạn 2016-2020.

Cơ cấu xuất, nhập khẩu chuyển dịch theo hướng giảm xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, công nghiệp và tăng nhập khẩu các mặt hàng cho sản xuất và xuất khẩu. Điểm nhấn là quy mô các mặt hàng xuất khẩu được mở rộng, số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỉ USD trở lên tăng từ 25 mặt hàng năm 2016 lên 32 mặt hàng năm 2019.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO