Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 12:18 GMT+7

Việt Nam giữ vững vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây, Trung Quốc

Biên phòng - Quảng Tây là một trong 5 khu tự trị của Trung Quốc, có dân số khoảng 48 triệu người, tiếp giáp 4 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam. Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, Quảng Tây là thị trường truyền thống, đóng vai trò rất quan trọng không chỉ với 4 tỉnh biên giới phía Bắc mà đối với tổng thể hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc.

Trung bình, mỗi ngày có khoảng 1.200-1.300 lượt phương tiện chở hàng hóa thông quan XNK qua các cửa khẩu biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Thu Hằng

Thị trường tiềm năng

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương cho biết, năm 2022, theo Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của Quảng Tây với thế giới đạt hơn 660 tỷ NDT (tương đương gần 96 tỷ USD), tăng 11,3% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 370 tỷ NDT (gần 54 tỷ USD), tăng 26,1%; nhập khẩu đạt hơn 289 tỷ NDT (hơn 42 tỷ USD), giảm 3,2%.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Quảng Tây với khu vực ASEAN đạt hơn 281 tỷ NDT. ASEAN liên tục 23 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây. Năm 2022, ngoại thương của Quảng Tây với ASEAN chiếm 42,6% tổng giá trị ngoại thương của Quảng Tây. Các đối tác thương mại chính của Quảng Tây theo thứ tự bao gồm: Việt Nam, Hồng Công, Mỹ, Thái Lan, Brazil, Đài Loan, Arab Saudi, Chile... Tính đến hết tháng 10/2023, tổng kim ngạch XNK của Quảng Tây đạt khoảng 80 tỷ USD, tăng 13,7%. Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 41 tỷ USD, tăng 6,9%; nhập khẩu khoảng gần 40 tỷ USD, tăng 21,7%.

Trong quan hệ hợp tác kinh tế với Việt Nam, Quảng Tây tiếp tục là đối tác đầy tiềm năng. Theo số liệu của Hải quan Nam Ninh, năm 2022, tổng kim ngạch XNK Việt Nam - Quảng Tây đạt hơn 199 tỷ NDT (gần 29 tỷ USD), chiếm 30,15% tổng kim ngạch XNK của Quảng Tây với thế giới và chiếm tới 70,83% tổng kim ngạch XNK của Quảng Tây với ASEAN. Trong đó, xuất khẩu của Quảng Tây sang Việt Nam đạt hơn 158 tỷ NDT (22,98 tỷ USD) (chiếm 42,7% giá trị xuất khẩu của Quảng Tây ra thế giới), tăng 11%; nhập khẩu của Quảng Tây từ Việt Nam đạt 40,88 tỷ NDT (gần 6 tỷ USD) (chiếm 14,1% giá trị nhập khẩu của Quảng Tây từ thế giới), giảm 29%. Như vậy, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây, là thị trường xuất khẩu và nhập khẩu lớn nhất của Quảng Tây trên thế giới.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Quảng Tây sang Việt Nam gồm: hàng dệt may; vật liệu đá và thủy tinh; sản phẩm điện và cơ khí; sản phẩm rau quả; vật liệu nhựa và cao su... Chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu sang Quảng Tây các mặt hàng: Sản phẩm điện và cơ khí; sản phẩm rau quả (hơn 358 triệu USD, tăng 45,82%); gỗ và sản phẩm từ gỗ (gần 343 triệu USD, tăng hơn 263%); sản phẩm khoáng sản (hơn 163 triệu USD, tăng hơn 13%); thực phẩm chế biến (hơn 156 triệu USD, tăng hơn 18,3%)...

Nhiều điểm sáng

Trong hợp tác thương mại, kinh tế Việt Nam - Quảng Tây, các tỉnh biên giới phía Bắc đã và đang phát huy tối đa các điều kiện thuận lợi từ hệ thống giao thông, văn hóa tiêu dùng của cư dân hai bên để thúc đẩy giao thương qua các cửa khẩu đất liền. Trong đó, tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) là hai địa phương có quan hệ láng giềng gần gũi, gắn bó. Với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, sự chủ động, tích cực của tỉnh Lạng Sơn và sự phối hợp của các cơ quan phía Quảng Tây, Trung Quốc, hoạt động hợp tác kinh tế thương mại, XNK hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn được duy trì và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hiện, hoạt động XNK hàng hóa đang diễn ra sôi động tại 7 cửa khẩu gồm: Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; cửa khẩu chính Chi Ma; cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình, Nà Nưa và cửa khẩu ga quốc tế Đồng Đăng. Trong năm 2023, lượng xe chở hàng hóa XNK trung bình qua các cửa khẩu Lạng Sơn đạt 1.100 - 1.300 xe/ngày. trong đó, xuất khẩu khoảng 400 - 450 xe/ngày; nhập khẩu khoảng 700 - 850 xe/ngày.

Cán bộ Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, BĐBP Lạng Sơn làm thủ tục thông quan cho lái xe và phương tiện chở hàng hóa nhập khẩu. Ảnh: Thu Hằng

Tổng kim ngạch XNK qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2023 ước đạt 4.925 triệu USD, đạt 129% kế hoạch, tăng hơn 60% so với cùng kỳ. Hàng xuất khẩu địa phương năm 2023 ước đạt 156 triệu USD, đạt 101% kế hoạch, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm 2024 đến ngày 18/1, tổng kim ngạch XNK các loại hình qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn đạt hơn 2.882 triệu USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Cũng tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây, hoạt động XNK hàng hóa, thông quan tại tỉnh Cao Bằng từ đầu năm 2023 đến nay diễn ra thuận lợi qua 3 cửa khẩu: Tà Lùng, Trà Lĩnh, Sóc Giang. Lưu lượng xe thông quan trung bình khoảng hơn 50 xe/ngày. Tổng kim ngạch XNK qua địa bàn tỉnh đạt khoảng 600 triệu USD, bằng 95% kế hoạch.

Bộ Công thương cho biết, tính đến hết tháng 10/2023, tổng kim ngạch XNK giữa Quảng Tây với Việt Nam đạt hơn 204 tỷ NDT (khoảng 29,3 tỷ USD), tăng 40,9% và chiếm khoảng 36,2% tổng giá trị trao đổi ngoại thương của Quảng Tây. Trong đó, Quảng Tây xuất khẩu hơn 150 tỷ NDT (khoảng 21,5 tỷ USD), tăng 31,4%, chiếm 52,4% tổng xuất khẩu; nhập khẩu hơn 54 tỷ NDT (khoảng 7,8 tỷ USD), tăng 76,1%, chiếm 19,5% tổng nhập khẩu của Quảng Tây. Các mặt hàng chính Quảng Tây nhập khẩu từ Việt Nam gồm cáp điện, nguyên liệu gỗ, thiết bị thông tin viễn thông, quặng và tinh quặng Titan, trái cây tươi, tinh bột sắn, quặng và tinh quặng Tho-ri, nhôm thỏi tái chế... Nhóm mặt hàng xuất khẩu chính của Quảng Tây gồm vi mạch điện tử, ắc quy Li-ion, quần áo, vật liệu hợp kim nhôm, loa, chế phẩm nhựa, động cơ đốt trong...

Hợp tác về đầu tư giữa Việt Nam và Quảng Tây cũng có nhiều tín hiệu tích cực. Tính đến hết tháng 10/2023, Quảng Tây có 184 doanh nghiệp (ngoài lĩnh vực tài chính ngân hàng) đăng ký đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư thực tế đạt 140 triệu USD. Tổng giá trị hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) các doanh nghiệp Quảng Tây đã thực hiện tại Việt Nam đạt 1,09 tỷ USD. Về đầu tư của Việt Nam tại Quảng Tây, theo thống kê của phía Quảng Tây, hết tháng 10/2023, có 103 doanh nghiệp Việt Nam đăng ký đầu tư tại Quảng Tây, tổng vốn đăng ký đạt 196 triệu USD, thực hiện 17,92 triệu USD.

Với lợi thế kết nối giao thông thuận lợi, dân số lớn, hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Quảng Tây được cho là còn rất nhiều tiềm năng cần thúc đẩy khai thác vì lợi ích của doanh nghiệp và nhân dân hai bên.

Theo thống kê của Việt Nam, 10 tháng năm 2023, kim ngạch thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 34,57 tỷ USD, tăng 87,3% so với cùng kỳ 2022. Tổng kim ngạch XNK qua các cửa khẩu với Quảng Tây chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng giá trị giao dịch hàng hóa qua các cửa khẩu trên bộ với Trung Quốc, trong đó, xuất khẩu chiếm hơn 95%, nhập khẩu chiếm gần 98%.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO