Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 09:26 GMT+7

Việt Nam kiên định thượng tôn Hiến chương Liên hợp quốc

Biên phòng - Việt Nam tái khẳng định lập trường thượng tôn Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Đồng thời kêu gọi quốc tế tôn trọng và hiểu biết; đối thoại và hợp tác; tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người.

Phiên họp cấp cao Khóa 52 HĐNQ LHQ diễn ra tại Geneve, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP

Vì toàn thể nhân loại

Đầu tuần này, tại thành phố Geneve, Thụy Sĩ, Phiên họp cấp cao Khóa 52 Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ đã diễn ra với nội dung chính là đề cập đến những vấn đề thời sự, cấp thiết hiện nay và những ưu tiên của cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới.

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kêu gọi HĐNQ LHQ đóng vai trò trung tâm trong thúc đẩy đối thoại một cách xây dựng, bình đẳng và hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau và với cách tiếp cận tổng thể. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới (UDHR) và Tuyên bố và Chương trình Hành động Vienna về quyền con người (VDPA) là những khuôn khổ vững chắc để cộng đồng quốc tế cùng tăng cường nhận thức và hành động nhằm thúc đẩy, bảo vệ các quyền con người và đã đạt được những thành tựu quan trọng qua nhiều thập kỷ.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, những thành tựu đã đạt được cũng đang đứng trước nhiều thách thức hiện hữu, như chiến tranh, xung đột, bạo lực, đói nghèo, bất bình đẳng, thiếu công bằng… Cùng với đó là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, các nguy cơ về an ninh lương thực và an ninh nguồn nước, những hệ quả của đại dịch Covid-19...

Với tư cách là thành viên mới của HĐNQ LHQ, phương châm của Việt Nam tham gia HĐNQ LHQ là “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, Việt Nam đặt quyết tâm cao cùng những nỗ lực cụ thể, đề cao những những thành tựu của Việt Nam trong đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người, đặc biệt là duy trì được mức tăng trưởng cao, mức bao phủ của bảo hiểm y tế rộng khắp, có tỉ lệ phụ nữ tham chính trong nhóm dẫn đầu thế giới, có chỉ số phát triển con người liên tục tăng và được xếp vào nhóm cao.

Cùng với đó, Việt Nam kêu gọi các quốc gia cần thông hiểu và tôn trọng những đặc thù riêng, đoàn kết, đối thoại và hợp tác để giải quyết những vấn đề toàn cầu trên cơ sở đề cao chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, quốc tế cần ưu tiên tập trung thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của LHQ và các cam kết về thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, để hiện thực hóa mục tiêu đảm bảo sự thụ hưởng đầy đủ các quyền con người trên phạm vi toàn cầu, HĐNQ LHQ cần đóng vai trò trung tâm trong thúc đẩy sự đối thoại một cách xây dựng, bình đẳng và hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau và với cách tiếp cận tổng thể.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đưa ra sáng kiến về việc kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình Hành động Vienna bằng một văn kiện của HĐNQ nhằm tái khẳng định những mục tiêu và giá trị lớn, bao trùm của các tuyên ngôn và tuyên bố trên, cũng như cam kết chung của cộng đồng quốc tế vì toàn thể nhân loại.

“Kim chỉ nam” để duy trì hòa bình, an ninh quốc tế

Trước đó, những ngày cuối tháng 2/2023 đã diễn ra phiên họp định kỳ hàng năm của Ủy ban đặc biệt về Hiến chương LHQ với sự tham gia của đại diện hơn 80 quốc gia thành viên. Khóa họp năm nay tập trung thảo luận về vai trò của Hiến chương LHQ trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình cũng như vai trò của các cơ chế và thỏa thuận khu vực.

Phiên họp định kỳ hàng năm của Ủy ban đặc biệt về Hiến chương LHQ vừa diễn ra tại thành phố New York, Mỹ. Ảnh: TTXVN

Tại phiên họp, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa - Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đã nêu bật lập trường của Việt Nam đối với tầm quan trọng của việc tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Trong bối cảnh thế giới hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức chung, đây là “kim chỉ nam” để duy trì hoà bình, an ninh quốc tế.

Nói về xu hướng áp dụng các biện pháp trừng phạt đang diễn ra trên thế giới, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa khẳng định, điều này chỉ nên sử dụng khi đó là biện pháp cuối cùng. Các biện pháp trừng phạt cần được xây dựng trên cơ sở pháp lý rõ ràng với mục tiêu và thời gian áp dụng cụ thể để tránh các tác động bất lợi đối với các hoạt động kinh tế và đời sống của người dân.

Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa cũng nhấn mạnh nhu cầu thực tế cần có đánh giá định kỳ nhằm đảm bảo khi mục tiêu đạt được thì trừng phạt cũng phải được dỡ bỏ. Việt Nam kêu gọi các ủy ban trừng phạt, nhóm chuyên gia cần xem xét đầy đủ tác động của trừng phạt đối với các nước thứ ba.

Trong vấn đề giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa khẳng định, Việt Nam luôn đề cao nguyên tắc cơ bản này của luật pháp quốc tế và ủng hộ các biện pháp nêu tại Điều 33 của Hiến chương LHQ. Việt Nam cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc trao đổi và chia sẻ thông tin về thực tiễn quốc gia trong việc sử dụng các cơ chế và thỏa thuận khu vực để xây dựng lòng tin, ngăn ngừa, giảm thiểu xung đột.

Ở cấp độ khu vực, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đi đầu trong nỗ lực thiết lập hàng loạt cơ chế đối thoại hiệu quả như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS). Bên cạnh đó, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa khẳng định, song hành với việc tiếp tục củng cố những văn kiện nền tảng cho hợp tác hữu nghị và giải quyết tranh chấp như Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC), ASEAN cùng đối tác phối hợp thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO