Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 28/06/2024 07:22 GMT+7

Việt Nam thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh chống buôn bán vũ khí bất hợp pháp

Biên phòng - Đại sứ Đặng Hoàng Giang đề nghị đấu tranh chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí không được ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội của các quốc gia.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN phát

Ngày 18/6, tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ) đã khai mạc Hội nghị kiểm điểm lần thứ 4 về việc thực hiện Chương trình hành động Liên hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp súng nhỏ, vũ khí nhẹ (PoA) và Công cụ quốc tế về truy vết (ITI).

Theo phóng viên TTXVN tại New York, tham dự hội nghị có đại diện của 193 nước thành viên Liên hợp quốc, trong đó có đại diện ngành cảnh sát.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, dẫn đầu đoàn Việt Nam gồm các đại diện Bộ Công an và Bộ Ngoại giao tham dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách giải trừ quân bị Izumi Nakamitsu cho rằng súng nhỏ, vũ khí nhẹ là nguyên nhân hàng đầu gây ra tổn thất về người trong các vụ bạo lực trên thế giới, tác hại do vũ khí bất hợp pháp gây ra không hề “nhỏ” hay “nhẹ,” vì vậy, cần có những hành động mạnh mẽ mới để đấu tranh hiệu quả với nạn buôn bán bất hợp pháp vũ khí, trong đó có tình trạng lạm dụng các công nghệ mới, tăng cường vai trò của phụ nữ, thanh niên cũng như hợp tác và hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực này.

Chủ tịch Hội nghị, Đại sứ Costa Rica Maritza Chan, kêu gọi các nước cùng hợp tác thúc đẩy đồng thuận vì thành công của hội nghị, trên cơ sở nhận thức đầy đủ về trách nhiệm ngăn ngừa và giảm tổn thất về người từ các cuộc xung đột và việc phát tán vũ khí nhỏ bất hợp pháp vào tay tội phạm, khủng bố.

Trên tinh thần đó, phát biểu của các nước trong ngày khai mạc hội nghị đều khẳng định sự cần thiết hợp tác phòng, chống buôn bán bất hợp pháp súng nhỏ, vũ khí nhẹ, thực hiện đầy đủ Chương trình hành động được thông qua từ năm 2001, xây dựng cơ chế xử lý hiệu quả các thách thức mới như quản lý, truy vết súng tổ hợp, súng có khung polymer và súng chế tạo bằng công nghệ in 3D, đồng thời khẳng định quyền của các quốc gia có vũ khí cho mục đích an ninh, quốc phòng, đề cao sự tuân thủ luật pháp quốc gia và quốc tế trong hợp tác quốc tế.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN phát

Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định ý nghĩa của Chương trình Hành động của Liên hợp quốc về súng nhỏ, vũ khí nhẹ và chia sẻ quan ngại về những rủi ro từ việc phát tán vũ khí bất hợp pháp trong và sau các cuộc xung đột.

Đại sứ làm rõ cam kết, các biện pháp và kinh nghiệm của Việt Nam trong quản lý chặt chẽ vũ khí, trong đó có việc ban hành và cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đặc biệt là dự án sửa đổi Luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đang được Quốc hội xem xét, nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ vũ khí trong suốt các khâu từ sản xuất, đánh dấu, lưu giữ, duy trì, chuyển giao, các hoạt động mua bán hợp pháp, cũng như thu hồi, tiêu hủy vũ khí bất hợp pháp, không để vũ khí lọt vào tay tội phạm.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác và hỗ trợ quốc tế ở cấp độ khu vực và toàn cầu và chia sẻ kinh nghiệm hợp tác tích cực giữa các cơ quan chức năng Việt Nam với các nước đối tác trong kiểm soát biên giới, phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có các cơ chế trong khuôn khổ ASEAN.

Trên cơ sở kinh nghiệm quốc gia và thực tiễn khu vực, Trưởng đoàn Việt Nam đề nghị hội nghị Liên hợp quốc tập trung thảo luận ba hướng giải pháp chính.

Trước hết là không để gia tăng xung đột vũ trang trên thế giới, ngăn ngừa và giải quyết các xung đột là cách tốt nhất để chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí.

Thứ hai là cần có sự thống nhất và nỗ lực chung giữa các nước trong thực hiện Chương trình Hành động của Liên hợp quốc, trong đó có việc xử lý thỏa đáng các thách thức mới nổi.

Thứ ba là đấu tranh chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí không được ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội của các quốc gia.

Các hoạt động hợp tác và hỗ trợ quốc tế cần tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, trong đó có các nguyên tắc về tôn trọng chủ quyền và không can thiệp công việc nội bộ các quốc gia.

Hội nghị diễn ra trong hai tuần từ 18-28/6/2024 để rà soát việc thực hiện Chương trình hành động của Liên hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp súng nhỏ, vũ khí nhẹ trong giai đoạn 2018-2024, cũng như đưa ra các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong thực thi các cam kết trong giai đoạn 2024-2030.

Chương trình Hành động của Liên hợp quốc về súng nhỏ, vũ khí nhẹ được tất cả thành viên Liên hợp quốc thông qua năm 2001, là cam kết chính trị quốc tế mạnh mẽ, tạo lập khuôn khổ cho phép xem xét thường xuyên các biện pháp và thúc đẩy hợp tác khu vực, quốc tế để ngăn chặn buôn bán trái phép súng nhỏ, vũ khí nhẹ.

Công cụ quốc tế về truy vết (ITI) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 2005 là một khuôn khổ bổ trợ cho việc thực hiện Chương trình hành động, trong đó đưa ra các quy định, biện pháp liên quan đến việc đánh dấu, lưu trữ hồ sơ và truy xuất dữ liệu về súng nhỏ, vũ khí nhẹ.

Theo TTXVN

Bình luận

ZALO