Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 02:53 GMT+7

Vóc dáng người lính Biên phòng trên vùng Bắc Tây Nguyên

Biên phòng - Năm 2023 khép lại với những dấu ấn rất đáng tự hào đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP Kon Tum. Đầu tiên là chuỗi hoạt động thi đua cao điểm, lập thành tích xuất sắc chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống (8/10/1963-8/10/2023). Tiếp đến là “cuộc đua marathon” triển khai công tác chuẩn bị phục vụ Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất được tổ chức thành công vào trung tuần tháng 12/2023. Một năm đầy ắp những sự kiện quan trọng và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao đã khắc họa đậm nét hơn sức mạnh, sự dẻo dai của người lính Biên phòng (BP) nơi vùng cực Bắc Tây Nguyên trong suốt chặng đường 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành...

Đại tá Lê Quốc Việt, Chỉ huy trưởng BĐBP Kon Tum trao bò giống cho người nghèo trên biên giới. Ảnh: Thái Kim Nga

Biên cương bừng sáng “lửa” Biên phòng

Cùng với tỉnh Điện Biên, Kon Tum là một trong 2 tỉnh có ngã ba biên giới tiếp giáp với 2 nước láng giềng. Đây cũng là tỉnh có đường biên giới đất liền thuộc hàng tốp trên toàn quốc với gần 293km (trong đó, có 154,222km đường biên giới tiếp giáp với Lào và 138,691km tiếp giáp Campuchia). Do nằm gọn ở phía Tây của dãy Trường Sơn hùng vĩ nên khu vực biên giới tỉnh Kon Tum có địa hình rất đa dạng, hiểm trở, với tổng diện tích tự nhiên lên đến 4.331,44km2, trong khi dân số chỉ khoảng 65.000 người, thuộc 24 thành phần dân tộc anh em chung sống (75,6% là đồng bào dân tộc thiểu số).

Mạnh mẽ, vững vàng trong quản lý, bảo vệ biên giới và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, uyển chuyển, dẻo dai, đầy lòng nhân ái trong công tác dân vận xây dựng địa bàn - đó chính là “vóc dáng” người lính BP nơi vùng cực Bắc Tây Nguyên. 60 năm, một chặng đường đầy gian nan, thử thách được kết tinh bằng những kỳ tích, những chiến công và trên tất cả cống hiến của BĐBP Kon Tum đã góp phần xây dựng vùng biên giới Bắc Tây Nguyên từ vùng trắng mênh mông giữa đại ngàn đến vùng nông thôn mới bình yên và phát triển.

Với những nét đặc thù nêu trên, rất dễ nhận thấy miền biên giới cực Bắc Tây Nguyên là khu vực xa xôi, hẻo lánh, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ gặp rất nhiều khó khăn. Sau ngày đất nước được giải phóng cho đến gần một thập kỷ đầu tiên thực hiện công cuộc đổi mới, địa bàn biên giới tỉnh Kon Tum vẫn còn là “vùng trắng” mênh mông giữa đại ngàn Trường Sơn.

Ở đó, những ngôi làng người đồng bào dân tộc thiểu số K’dong, H’lăng, Giẻ Triêng, Rơ Mâm, Brâu, Jrai... dù rất giỏi đánh giặc ngoại xâm, nhưng lại bất lực trước “giặc” đói, “giặc” nghèo. Do cơ sở hạ tầng về văn hóa, y tế, giáo dục thiếu một cách trầm trọng, nguồn nhân lực tại chỗ chưa thể đáp ứng nhu cầu phát triển nên gần một thập kỷ kể từ ngày đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, vùng biên giới cực Bắc Tây Nguyên vẫn miệt mài với “bài toán” giải quyết nạn mù chữ, thất học, xóa bỏ mê tín dị đoan, phong tục tập quán lạc hậu tồn tại trong cộng đồng.

Trong hoàn cảnh đó, các đơn vị BĐBP Kon Tum một mặt triển khai đồng bộ các biện pháp công tác BP, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đấu tranh phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm; mặt khác, bám sát các buôn làng biên giới, sẵn sàng đồng hành, giúp đỡ, sẻ chia với bà con nhân dân trên tất cả các mặt đời sống. Đặc biệt, từ ngày chia tách tỉnh Gia Lai - Kon Tum thành 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum (năm 1991) đến nay, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum đã chỉ đạo các đơn vị chủ động tham mưu xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, giúp dân phát triển kinh tế, xã hội, từng bước xóa bỏ những nếp nghĩ cách làm cũ kỹ lạc hậu, nạn mù chữ thất học, mê tín dị đoan... Rất nhiều mô hình, công trình, phần việc giúp dân đã được khởi xướng và phát huy tác dụng như mô hình xây dựng thôn Đăk Ga, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei no đủ, vững mạnh, an toàn, các công trình đường giao thông nông thôn, nước sạch sinh hoạt, thủy lợi, thủy điện nhỏ ở các xã Đăk Long, Đăk Blô (huyện Đăk Glei), Đăk Dục, Đăk Nông, Pờ Y, Sa Loong, Đăk Sú (Ngọc Hồi), Mo Rai, Rờ Kơi (Sa Thầy).

Sự đồng hành của người lính BP đã góp phần giúp cho bộ mặt nông thôn biên giới từng bước khởi sắc, thúc đẩy các chương trình định canh, định cư, khai hoang phục hóa đồng ruộng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao hơn. Trên lĩnh vực văn hóa xã hội, những người lính BP nơi vùng cực Bắc Tây Nguyên đẩy mạnh các chương trình phối hợp với ngành giáo dục, y tế, văn hóa, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên triển khai “chiến dịch” xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, hình thành các trạm xá quân-dân y kết hợp khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đưa văn hóa thông tin về cơ sở, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xóa bỏ các tập tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, nâng cao chất lượng hoạt động của phụ nữ, thanh niên các xã biên giới...

Trong mọi điều kiện hoàn cảnh, người lính BĐBP Kon Tum luôn tận tâm, tận lực giúp đỡ nhân dân, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, cứu hộ, cứu nạn, trở thành ngọn lửa làm bừng sáng biên cương với hình ảnh người thầy giáo, thầy thuốc, chiến sĩ tuyên truyền văn hóa, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm mang quân hàm xanh rất đỗi gần gũi, thân thương trong lòng dân biên giới.

"Quả đấm thép" trong đấu tranh phòng, chống tội phạm

Trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, người lính BP miền cực Bắc Tây Nguyên xứng đáng được ví như “quả đấm thép” trên địa bàn miền Trung, Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng. Nằm trên hành lang trọng điểm của Tam giác phát triển, vùng ngã ba Đông Dương thuộc tỉnh Kon Tum không chỉ thuận lợi trong giao thương giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, mà còn là khu vực tiềm ẩn phức tạp về tội phạm xuyên quốc gia, buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển hàng cấm từ điểm nóng ma túy lớn nhất nhì thế giới - khu vực “Tam giác vàng”.

Những tập thể và cá nhân xuất sắc được khen thưởng tại lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập BĐBP Kon Tum (8/10/1963-8/10/2023). Ảnh: Thái Kim Nga

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, BĐBP Kon Tum một mặt, đẩy mạnh công tác đối ngoại, chủ động nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa; mặt khác, phối hợp chặt chẽ với Công an, Hải quan và các lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới, mua bán, vận chuyển, tàng trữ sử dụng chất nổ, vũ khí trái phép, quản lý chặt chẽ địa bàn, kịp thời xử lý các vụ việc xảy ra trên biên giới. Bắt đầu từ Chuyên án 796T phá đường dây buôn bán, vận chuyển, lưu hành tiền giả (2.500 USD giả) qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y vào năm 1996, BĐBP Kon Tum liên tiếp lập công khi phát hiện, bắt giữ nhiều vụ án buôn lậu, mua bán, vận chuyển hàng cấm, vượt biên trái phép thực hiện mưu đồ gây rối, phá hoại khối đoàn kết các dân tộc, tạo môi trường an toàn thông thoáng, phục vụ tốt chủ trương mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xác lập các chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ, đấu tranh với các hoạt động tội phạm hình sự, các đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, chất nổ, vũ khí, buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác, vận chuyển, cất giấu lâm sản, khoáng sản trái phép và các loại tội phạm khác. Những người lính BP Bắc Tây Nguyên đã xác lập, phối hợp đấu tranh thành công 43 chuyên án, 32 vụ án, trong đó có nhiều chuyên án, vụ án trọng điểm được triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhất, bảo đảm yếu tố chặt chẽ, bí mật và an toàn nhất. Kết quả, đã bắt giữ, xử lý 128 vụ/178 đối tượng, thu giữ 74 bánh heroin, 21,6kg ma túy tổng hợp dạng đá, 2,6kg Ketamine, 212.490 viên ma túy tổng hợp, 6.900kg pháo, 99,7kg thuốc nổ, 2,2kg vàng, cùng nhiều tang vật, phương tiện có liên quan khác...

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO