Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 02:50 GMT+7

Vui hội Gầu Tào đầu xuân

Biên phòng - Với đồng bào Mông, hội chơi núi mùa xuân (Gầu Tào) là một trong những lễ hội quan trọng nhất dịp đầu xuân. Đây là một nét văn hóa đặc trưng của người dân vùng cao nói chung và đồng bào Mông nói riêng. Lễ hội đã làm cho không khí làng, bản tưng bừng, đồng bào các dân tộc phấn khởi, nô nức tham gia các hoạt động lễ hội đầu năm mới.

4xhs_21a
 Các cô gái Mông trong trang phục dân tộc sặc sỡ vui trong trò ném còn. Ảnh: Thanh Thuận

Từ truyền thuyết        

Gầu Tào là hội xuân truyền thống của đồng bào dân tộc Mông từ hàng trăm năm nay. Gầu Tào trong tiếng Mông có nghĩa là chơi ngoài trời, còn gọi là hội chơi núi mùa xuân hay hội chơi đồi, có nơi còn gọi là Hội xuân Sải Sán... Hàng năm, hội Gầu Tào đã thu hút đông đảo bà con các dân tộc cũng như du khách gần xa.

Những người già kể rằng, lễ hội Gầu Tào thuở sơ khai là một hình thức tâm linh của người Mông. Lễ hội dùng để cúng thần đất mong năm mới có nhiều con, cháu. Theo thời gian, lễ hội biến đổi dần và đến ngày nay, vào ngày 4 hoặc ngày 5 tháng Giêng, lễ hội diễn ra và trở thành trung tâm của mọi lễ hội trong mùa xuân của cả người Mông, người Hà Nhì. Lễ hội mở ra nhằm mục đích cầu phúc hoặc cầu mệnh. Những gia đình không có con, ít con hoặc chỉ có con một bề, mở lễ hội Gầu Tào để mong cầu có con - người ta gọi là cầu phúc. Đối với những gia đình có người ốm đau bệnh tật, con cái yếu ớt  hoặc bị chết thì nhờ thầy cúng mở hội Gầu Tào - gọi là cầu mệnh.

Ngay từ những ngày cuối tháng Chạp, các gia đình mở hội đều phải chặt những cây mai có ngọn dài và lá sum suê mang về nhà dựng cây nêu. Lễ dựng cây nêu được tổ chức vào 4 ngày cuối cùng của năm là 26, 27, 28 và 29. Địa điểm trồng cây nêu (chính là địa điểm diễn ra lễ hội) là một quả đồi gần đường đi, khá bằng phẳng và cây nêu phải trồng trên đỉnh đồi làm trọng tâm. Đối với những địa phương tổ chức ba năm liên tục thì chỉ cần dựng một cây nêu. Còn những lễ hội tổ chức một lần thì phải chôn ba cây nêu theo hình tam giác, trên gần ngọn nêu treo ba miếng vải lanh với các màu đen, đỏ trắng. Tuy nhiên, mỗi địa phương sẽ có cách treo vải khác nhau. Ví như ở Sa Pa (Lào Cai) thì chỉ treo một dải vải đỏ, dưới sợi vải treo một bầu rượu và một dây tiền giấy. Còn ở Mường Khương (Lào Cai) thì chỉ treo một miếng vải đỏ và vải đen.

Sau khi dựng xong cây nêu, gia chủ làm lễ cúng mời tổ tiên về, phù hộ cho các thành viên trong gia đình khỏe mạnh, làm ăn may mắn. Các làng xung quanh nhìn cây nêu là biết tết năm ấy sẽ tổ chức lễ hội và chuẩn bị đi chơi hội.

Sáng ngày khai hội, mọi người tụ tập đến địa điểm mở hội. Khắp bãi trống đã được dựng thêm nhiều lều tạm cho người già ăn uống, chúc tụng. Bãi bằng nhất được dọn ra cho trẻ em đánh quay. Những dây ống hát được chăng lên khắp triền đồi. Ngoài ra, còn có khu bắn nỏ, bắn cung, sân múa khèn. Mỗi sân bãi cắt cử người quán xử (chủ sự) phụ trách.

Gia chủ là người có quyền tối cao thống lĩnh toàn hội. Bên cạnh gia chủ, sẽ có hai đến ba trung niên hay người già thạo đường ăn nói thay mặt gia chủ giải quyết mọi sự. Nếu gia chủ là người ít nói năng, chậm chạp thì có thể nhờ và ủy quyền cho một người thay mặt mình. Ngoài ra, cần có xừ quan (quản lý) chăm lo việc ăn uống, có hấu pầu tờ (quản củi đuốc), hấu pầu giê (trông nom xay giã, dần sàng) cùng với xừ quan. Ngôn ngữ sử dụng trong nghi lễ hầu hết là những từ hoa mỹ (pàng lỳ) thanh cao, những câu ví mỹ miều, những câu tục ngữ khoa trương. Tuy nhiên, ngày nay còn rất ít người biết hết những câu, từ cổ sử dụng trong hội.

Khách ngoài họ, khách đường xa đến, người thì mang gạo, người thồ ngô, người thì hũ rượu, người xách đôi gà, ai mang đến đều phải vào làm lễ cầu chúc cho mọi người mạnh khỏe, tiếp nữa là cầu chúc cho mùa màng bội thu, lợn gà đầy chuồng, đầy sân. Chủ nhà nói lời cảm tạ và biết ơn, ghi nhớ tấm lòng hào phóng của khách.

Sau khi làm lễ xong, khách gần xa, người già người trẻ, ai thích chơi trò gì thì đến sân ấy. Người thi bắn cung nỏ, đám chọi quay, nhảy sào, đu quay, múa khèn…. Đám hội nào cũng nườm nượp. Đám hát gầu plềnh, hát tình ca, đối đáp, trao duyên, hát vui hội hè thường có mặt những thanh niên trai gái đang độ thanh xuân. Họ hát để thi thố tài nghệ và cũng nhân thể tìm hiểu nhau. Những bài hát thường là sáng tác tức thì. Trong đám hát, những người đã định nơi chốn thường lui tới bên những chiếc ống hát. Từ ống mai đầu này tới ống mai đầu kia cách khoảng 100 - 200m là một sợi tơ tằm vàng óng nối liền, mỗi ống bắc trên một cây cọc cao vừa tầm người đứng. Khi người đầu này hát thì người đầu kia áp tai lắng nghe.

Hết thời hạn hội, gia chủ làm lễ kết thúc, cây nêu được hạ xuống. Thày mo đốt thẻ giấy, hốt than cho vào gáo nước, vừa đi, vừa cầu khấn. Sau mỗi đoạn khấn vái, thầy lại hấp một ngụm nước phun ra xung quanh. Gia chủ cầm bầu rượu hạ từ trên cây nêu đi theo sau thầy mo, cũng hẩy rượu ra khắp nơi. Mảnh vải đỏ thì mang về treo trong nhà cầu mong hồng phúc đời đời. Trường hợp nếu là hội cầu phúc, ông chủ hội chọn một đôi trai gái, một đôi nam nữ đứng tuổi đông con và họ hàng rước cây nêu về gia chủ gác ở đằng sau nhà hoặc làm giát giường mong sớm có con. Nếu mở hội cầu mệnh thì rước cây nêu đến gác ở chỗ vách đá khô ráo.

ymzg_21b
 Người Mông say với điệu khèn trong hội Gầu Tào. Ảnh: Thanh Thuận

Gầu Tào ngày nay

Ngày mở hội, ngay từ sáng sớm, tiếng trống rộn rã thúc giục, bà con các dân tộc từ các thung sâu, núi cao, trưng diện những bộ váy áo đẹp nhất, mới nhất đổ về dự hội. Giữa những sườn núi tràn nắng, nơi những cây sa mộc xanh vươn mình kiêu hãnh là nơi người Mông thường chọn tổ chức lễ hội. Giữa đỉnh đồi dựng một cây nêu cao, gắn một dải lanh dài với hai màu xanh đỏ. Sau phần lễ của thầy cúng theo phong tục, là phần hội được các bạn trẻ rất thích. Các thiếu nữ Mông xúng xính váy áo. Các thiếu nữ Hà Nhì duyên dáng trong những điệu múa dâng các vị thần, cầu mong che chở cho con người. Các chàng trai cường tráng ưỡn ngực lên dây thi bắn nỏ. Những bàn tay gân guốc, rắn chắc thoăn thoắt như sóc, chinh phục đỉnh cao trong trò chơi thi leo cây, cầu mong năm mới lên rừng bắn được nhiều thú, khai khẩn được đám nương tốt...

Dưới chân cây nêu (ngày nay làm bằng tre) để một bầu rượu và một chiếc khèn. Bất cứ chàng trai nào ghé qua đều muốn uống một chén và nâng cây khèn trên tay, "đầu mày cuối mắt" với đám con gái ăn mặc đẹp như mang cả mùa xuân xuống núi. Thơ mộng nhất là những đám hát giao duyên của nam nữ thanh niên. Giữa lãng đãng mây ngàn, gió núi, các chàng trai áo chàm quấn quít bên những cô gái váy áo rực rỡ sắc màu. Họ vừa hát vừa thi thố tài nghệ, vừa ước mong được tìm hiểu nhau để nên vợ nên chồng sau những đêm hội đầu xuân.

Các trò chơi dân gian được tổ chức thu hút đông đảo người xem. Chỗ này chơi đánh yến, ném quả pao, hát đối, chỗ kia thi bắn nỏ, đánh quay (cù)... nhộn nhịp, vui tươi. Cánh đàn ông thường bị hút vào trò chọi gà hay các bãi chơi cù. Đám phụ nữ thích trò ném còn, đánh yến, đánh đu... Đây là các trò chơi vừa tinh tế nhẹ nhàng, lại vừa đòi hỏi sự khéo léo. Hội còn có nhiều trò chơi và thi đấu khác như: Chọi bò, "chọi chim" (thi xem con chim nào hót to nhất và lâu nhất). Người chiến thắng luôn mời những đối thủ khác về quán thắng cố, rồi cùng nhau say cho đến khi hết hội.

Còn với khách xa gần, ai đến hội đều được gia chủ đón tiếp thịnh tình bằng những bát rượu ngô nồng ấm, trong làn điệu khèn tha thiết, ân tình. Khi đã bồng bềnh đắm say trong hương nồng rượu ngô, tiếng khèn trở nên da diết hơn, thoảng như có lời thì thầm của đại ngàn, tiếng róc rách của dòng chảy dưới thung sâu, tiếng bước chân ngựa trên đường thiên lý... Các chàng trai vừa thổi khèn vừa nhảy múa, những vòng quay xoay tròn và dữ dội, bước chân dường như không chạm đất. Cứ thế tiếng khèn vang ngân, men rượu ngô nồng nàn níu kéo, mời gọi không dứt...

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO