Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 06/07/2024 05:10 GMT+7

Vun đắp tình cảm đặc biệt của nhân dân hai bên biên giới

Biên phòng - Sau gần 20 năm triển khai kết nghĩa các cụm dân cư, tình cảm giữa nhân dân ở các bản làng biên giới của tỉnh Quảng Trị và hai tỉnh Savannakhet, Salavan (Lào) càng thêm gắn bó, bền chặt. Nhân dân hai bên thường xuyên tổ chức các hoạt động trao đổi thông tin, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và góp sức cùng BĐBP xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Đại diện chỉ huy BĐBP Quảng Trị tặng Giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc nhân dịp sơ kết 15 năm kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới giữa bản Tà Păng (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) và bản Tà Poọng (cụm bản Chiêng Túp, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet). Ảnh: Phước Trung

Tăng cường tính pháp lý

Nhân dân sinh sống trên khu vực biên giới của tỉnh Quảng Trị và hai tỉnh Savannakhet, Salavan (Lào) vốn có nhiều nét tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ, tập quán sản xuất. Từ bao đời, như một lẽ tự nhiên, bà con ở các bản làng hai bên biên giới của các địa phương đã xem nhau như những người anh em, láng giềng thân thiết. Trong cuộc sống thường ngày, họ thường xuyên qua lại biên giới giao lưu, trao đổi hàng hóa, chia sẻ niềm vui, hỗ trợ nhau khi thiên tai, hoạn nạn.

Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị cho biết: “Quá trình triển khai kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới đã góp phần tích cực vào việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới. Cùng với đó, hoạt động kết nghĩa đã tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó của nhân dân hai bên biên giới Việt Nam - Lào, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh”.

Thế nhưng, với vai trò của lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới, BĐBP Quảng Trị cũng nhận ra những nguy cơ tiềm ẩn từ việc người dân hai nước Việt Nam và Lào thường xuyên “xé rào” qua lại biên giới. Trong đó, có thể kể đến việc một bộ phận người dân nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật, vô tình có những hành động gây tổn hại đến tình cảm của nhân dân hai nước. Các loại tội phạm lợi dụng trà trộn vào khu dân cư biên giới để vận chuyển ma túy, hàng cấm xuyên quốc gia...

Xuất phát từ đó, BĐBP Quảng Trị đã nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Tư lệnh BĐBP và tỉnh Quảng Trị tổ chức việc ký kết nghĩa giữa các cụm dân cư hai bên biên giới, với mục đích tăng cường tính pháp lý, vun đắp tình cảm đặc biệt của nhân dân hai nước Việt Nam và Lào. Quy chế kết nghĩa được các địa phương của tỉnh Quảng Trị và hai tỉnh Savannakhet, Salavan xây dựng, hoàn thiện dựa trên cơ sở đề cao sự gắn kết giữa nhân dân hai bên biên giới, đồng thời, đảm bảo chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật của mỗi nước. Qua khảo sát, những nội dung của quy chế kết nghĩa giữa cụm dân cư hai bên biên giới được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Thực hiện chủ trương lớn, ngày 28/4/2005, bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và bản Đen Sa Vẳn, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet đã tổ chức làm điểm lễ ký kết nghĩa.

Sau đó, chính quyền địa phương, lực lượng BĐBP hai bên đã tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ, chấp hành tốt các nội dung, quy định mà Ban quản lý các bản đã thông qua trong ký kết nghĩa. Nhờ đó, nhận thức pháp luật, chủ quyền lãnh thổ của nhân dân hai bên biên giới đã có nhiều sự đổi thay tích cực. Người dân đã chủ động đăng ký với BĐBP khi cần qua lại biên giới, các hoạt động xâm canh, xâm cư trái phép, chăn thả gia súc qua biên giới cũng đã giảm xuống đáng kể. Từ thành công ban đầu, BĐBP Quảng Trị đã tham mưu cho chính quyền địa phương hai bên nhân rộng mô hình trên toàn tuyến biên giới đất liền. Tính đến nay, tỉnh Quảng Trị và hai tỉnh Savannakhet, Salavan đã tổ chức ký kết nghĩa được 27 cặp bản đối diện trên tuyến biên giới chung.

Vun đắp tình đoàn kết

Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới đã trở thành chủ trương lớn, góp phần vun đắp tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và Lào. Thông qua đó, BĐBP, chính quyền các địa phương mỗi nước đã phát huy được vai trò của người dân trong tham gia xây dựng, bảo vệ biên giới, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn.

Trong những năm qua, chính quyền hai bên đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân hai bên biên giới được 250 buổi/84.520 lượt người; tổ chức giao ban định kỳ, đột xuất 167 buổi/3.280 lượt người tham gia. Nhân dân các bản làng biên giới của tỉnh Quảng Trị và Savannakhet, Salavan đã tham gia 127 lượt/2.731 ngày công để tôn tạo, tăng dày mốc quốc giới. Cùng với đó, đã có 220 đợt/2.110 lượt người dân địa bàn tham gia tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc do lực lượng chuyên trách mỗi nước tổ chức.

Đồn Biên phòng Ba Nang, BĐBP Quảng Trị tặng con giống cho nhân dân bản Sa Trầm (xã Ba Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) và bản A Xóc (cụm bản III, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan). Ảnh: Mạnh Hùng

Các cặp bản kết nghĩa, các ban, ngành, đoàn thể hai bên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn cách phòng trừ dịch bệnh. Cụ thể, hai bên đã hỗ trợ nhau phát triển 4 mô hình trồng cây cà phê, trao tặng 770kg hạt giống các loại, 100 gốc tre lấy măng, 1.520 con giống. Nhân dân các bản biên giới của tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ nhân dân các bản của hai tỉnh Savannakhet và Salavan tiêu thụ 178 tấn chuối quả, 825 tấn sắn củ tươi. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình ở trên các bản làng biên giới hai bên đã có thu nhập ổn định, góp phần làm cho đời sống được khởi sắc.

Cùng với đó, các đơn vị BĐBP hai bên đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức 156 lần/2.721 lượt người dân hai bên biên giới tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao. Bà con các bản làng hai bên biên giới các địa phương cũng tổ chức 150 lượt người/1. 500 ngày công giúp đỡ nhau khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn...

Lam Giang

Bình luận

ZALO