Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 09:47 GMT+7

Vùng biên A Lưới khởi sắc

Biên phòng - Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới trên địa bàn đơn vị phụ trách, những năm qua, Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân, BĐBP Thừa Thiên Huế đã cùng chính quyền địa phương thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội có hiệu quả, nhất là hỗ trợ cây, con giống, vốn sản xuất cho những gia đình nghèo trên địa bàn. Đến nay, đời sống của bà con khu vực biên giới do đơn vị phụ trách ngày càng khởi sắc.

3kal_4a
Cán bộ Đồn BPCK Hồng Vân kiểm tra, hướng dẫn bà con trên địa bàn kỹ thuật chăn nuôi dê. Ảnh: Võ Tiến

Gia đình anh Hồ Xuân là một trong những hộ đặc biệt khó khăn của thôn Ta Lo, xã Hồng Vân, huyện A Lưới. Không có công ăn việc làm ổn định, đất trồng trọt ít nên cuộc sống mưu sinh hàng ngày của vợ chồng anh rất bấp bênh. Năm 2017, gia đình anh được Đồn BPCK Hồng Vân  hỗ trợ 1 cặp dê giống, tiền và ngày công lao động để làm chuồng trại. Gia đình anh còn được cán bộ Biên phòng hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi. Sau 2 năm, đàn dê đã phát triển thêm được 4 con và bắt đầu có thêm dê thịt xuất bán, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh. 

Anh Hồ Xuân cho biết: “Mấy năm trước, vợ chồng tôi làm nương, làm rẫy quanh năm mà không đủ ăn. Nhờ được BĐBP, chính quyền địa phương giúp đỡ mà gia đình tôi có được cặp dê giống. Vợ chồng tôi rất vui vì bây giờ đã có dê thịt để bán, có thêm thu nhập, cuộc sống đỡ vất vả hơn”.

Cũng là gia đình được hỗ trợ từ chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, đầu năm 2018, gia đình anh Lê Ngọc Đoi, thôn A Năm được nhận một con bò giống để phát triển kinh tế gia đình. Từ sự tư vấn, hướng dẫn của cán bộ Đồn BPCK Hồng Vân và cán bộ Khuyến nông địa phương, con bò giống của gia đình luôn được chăm sóc, vệ sinh phòng dịch chu đáo, đến nay sắp cho sinh sản. Nguồn hỗ trợ này đã giúp gia đình anh Đoi có thêm động lực để vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương. Anh chia sẻ: “Nhà tôi có 4 người mà mọi cái ăn, cái mặc đều dựa vào làm nương rẫy, năng suất bấp bênh, nên thu nhập không ổn định. Con bò giống này là tài sản lớn nhất của gia đình tôi từ trước đến nay. Sắp tới, bò đẻ bê con, tôi sẽ không bán mà tiếp tục nuôi để có thêm nhiều bò hơn. Tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để có cuộc sống khấm khá hơn”.

Bên cạnh việc hỗ trợ giống, Đồn BPCK Hồng Vân đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương vận động bà con cải tạo đất trồng, chuyển đổi cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đình chị Lê Thị Hà, xã Hồng Trung là một trong những hộ tiêu biểu về phát triển mô hình vườn, ao, chuồng. Song song với việc nuôi heo rừng lai và các loại gia cầm, gia đình chị đã chuyển đổi phần đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng chuối ba lùn. Đây là loại chuối thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, phát triển và cho thu nhập cao cho gia đình chị. Với chuỗi sản xuất đó, mỗi năm, gia đình chị Hà thu về hơn 100 triệu đồng. 

Chị Lê Thị Hà chia sẻ: “Lúc đầu, gia đình tôi đưa vào hơn 250 gốc chuối, sau 12 tháng, thu hoạch hơn 5 tấn chuối thương phẩm, được thương lái đến tận nhà thu mua với giá dao động từ 5 đến 8 ngàn đồng/kg. Hiện nay, tôi đang mở rộng thêm diện tích chuối và trồng xen kẽ thêm các loại cây ăn quả như bưởi, cam để tận dụng khoảng trống, phát triển kinh tế”. 

Đồn BPCK Hồng Vân quản lý 3 xã Hồng Vân, Hồng Trung, Hồng Thủy, thuộc huyện biên giới A Lưới. 80% dân số trên địa bàn là người dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo cao. Chính vì thế, việc giúp đồng bào phát triển kinh tế - xã hội gắn với giữ vững quốc phòng, an ninh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đơn vị. Đại úy Lưu Xuân Nghiêm, Chính trị viên phó Đồn BPCK Hồng Vân chia sẻ: “Thời gian qua, Đồn BPCK Hồng Vân đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tìm nhiều hướng đi mới để giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo bằng nhiều mô hình, chương trình và việc làm thiết thực. Bên cạnh đó, đơn vị còn phân công cán bộ phụ trách, giúp đỡ các hộ gia đình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”. 

Ông Nguyễn Thái Trăng, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Trung cho biết: “Trước đây, đời sống của bà con địa phương rất khó khăn, chủ yếu là sản xuất, trồng trọt theo hướng tự cung, tự cấp. Đồn BPCK Hồng Vân luôn trách nhiệm, đi đầu trong việc giúp dân phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Hiện nay, bà con đã biết sản xuất theo hướng hàng hóa để trao đổi, đời sống được nâng lên, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Có được thành quả đó là nhờ sự chung tay, góp sức của những người lính Bộ đội Cụ Hồ, bộ đội của dân”.

Võ Tiến

Bình luận

ZALO