Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 09:47 GMT+7

Vùng biên xanh trên cao nguyên M'nông

Biên phòng - Từ Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Nông, ánh sáng nhàn nhạt của ngày mới cứ ấm dần phía đỉnh đồi nơi đặt tượng đài của người anh hùng các dân tộc Tây Nguyên N’Trang Lơng. Rồi cả thành phố trẻ Gia Nghĩa, cả miền đất trẻ Đắk Nông như bừng thức trong nhịp ngày mới. Mùa khô Tây Nguyên trời se lạnh, sương bảng lảng và không khí thanh khiết hơi rừng, khí núi, tạo một trường năng lượng thật khó tả. Gọi nơi đây là miền đất trẻ bởi Đắk Nông mới vừa tròn 20 tuổi, được thành lập vào ngày 1/1/2004 theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 ban hành ngày 26/11/2003 của Quốc hội trên cơ sở tách một phần diện tích và dân số của tỉnh Đắk Lắk.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tuy Đức, BĐBP Đắk Nông và Tiểu đoàn 2, Tiểu khu Quân sự; Đồn Biên phòng Lumper, tỉnh Mondulkiri (Campuchia) tuần tra song phương, bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: Tuệ Lâm

Vốn đây là một vùng đất cổ trên cao nguyên M'nông, phía Tây Nam vùng Tây Nguyên, có độ cao trung bình từ 600 - 1.970m so với mực nước biển. Nơi sinh sống lâu đời của dân tộc M'nông - một trong những chủ thể của nền văn hóa Tây Nguyên. Hẳn vì thế nên cách lý giải cái tên của vùng đất này khá thú vị. Có người bảo, Đắk Nông theo tiếng M’nông có nghĩa là vùng đất, nước của người M’nông. Người khác lại giải thích Đắk có nghĩa là đầu, còn Nông có nghĩa là nước. Nhưng cho dù là cách giải thích nào thì thực trạng địa hình cũng đã cho thấy đây là địa phương có đến hàng trăm hồ nước ngọt lớn nhỏ, góp phần mang lại sự trù mật cho vùng đất bazan cuối dãy Trường Sơn. Và như một lẽ đương nhiên, vùng đất cổ này cũng là nơi hội tụ những giá trị văn hóa lâu đời đặc sắc như tín ngưỡng, sử thi, thiết chế cộng đồng, văn hóa cồng chiêng, múa dân gian, kiến trúc, ẩm thực và trang phục dân tộc...

Trong không khí sôi sục tinh thần yêu nước, quật khởi của toàn cõi Tây Nguyên, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Đắk Nông là vùng địch tạm chiếm đóng, song đã kiên cương vùng lên, anh dũng đấu tranh chống ngoại xâm. Nhiều người Đắk Nông giác ngộ cách mạng, hiệp lực xây dựng trung đội du kích người dân tộc M'nông để chiến đấu chống Pháp, trở thành một trong những đơn vị tiền thân của lực lượng quân sự tỉnh sau này. Tới kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Đắk Nông luôn trung thành với Đảng, đi theo Đảng và theo cách mạng, đóng góp sức người, sức của cho cuộc đấu tranh đấu tranh chống giặc, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của toàn dân tộc. Mà tượng đài Anh hùng N’Trang Lơng chính là biểu tượng cao đẹp nhất, kết tinh bền chắc nhất thể hiện tinh thần yêu nước, thương nòi của đồng bào nơi đây, là công trình nghệ thuật - lịch sử - tâm linh ý nghĩa, nhắc nhớ về những tháng ngày chiến đấu và chiến thắng của quân dân Đắk Nông.

Sau khi chia tách vào năm 2004, tỉnh Đắk Nông có đường biên giới dài khoảng 141km giáp ranh tỉnh Mondulkiri, Campuchia, trải dài trên địa bàn của 77 thôn, buôn, bon thuộc 7 xã của 4 huyện biên giới Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Mil và Cư Jút. Khu vực biên giới của tỉnh có 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, song đa phần là người M'nông, ngoài ra, còn có một số dân tộc thiểu số phía Bắc theo quá trình di canh, di cư hàng trăm năm qua cũng đã tạo nên những sắc dân mới, sống xen lẫn với người bản địa, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên biên giới của tỉnh.

Sau khi chia tách tỉnh không lâu, năm 2007, cùng với các địa phương trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, tỉnh Đắk Nông cũng bước vào hành trình phân giới cắm mốc với tỉnh Mondulkiri. Sau ba năm phấn đấu, ngày 8/12/2010, tại cột mốc biên giới số 54 thuộc địa bàn xã Thuận Hà, huyện Đắk Song, chính quyền hai tỉnh Đắk Nông và Mondulkiri đã long trọng tổ chức lễ khánh thành 8 cột mốc biên giới quốc gia giai đoạn 2 với 16 cột mốc chính, từ mốc số 48 tiếp giáp với tỉnh Đắk Lắk đến cột mốc số 55 tại địa bàn xã Đắc Búc So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Các cột mốc đều có diện tích rộng 49m2, đế mốc rộng 1m2 được xây dựng bằng bê tông cốt thép, thân mốc được làm bằng đá granite nguyên khối có độ cao 1,25m, bề dày 25cm, bề rộng 40cm. Nghĩa là đảm bảo đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật, mỹ thuật theo quy định của Ủy ban Liên hợp phân giới, cắm mốc của hai nước Việt Nam và Campuchia.

Ngoài ra, còn thống nhất xác định 89 vị trí, xây dựng 168 cột mốc phụ, 11 cọc dấu; xác định được 48 tâm cồn bãi trên sông, suối, 9 điểm đặc trưng, song vẫn còn khoảng hơn 25km đường biên giới chưa hoàn thành công tác phân giới cắm mốc tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Ông Muon Ritthy, Đội trưởng Đội phân giới cắm mốc số 7 Campuchia cũng cho biết, trên cơ sở kế hoạch được phê duyệt, 2 đội đã tiến hành đo đạc, thống nhất vị trí chính xác và cắm các cột mốc phụ, cọc dấu tạm cũng như các cọc dấu phương vị. Trên cơ sở đó, nhà thầu tiến hành xây dựng cột mốc phụ, cọc dấu chính thức bằng bê tông cốt thép vững chắc để phân định rõ ràng đường biên giới giữa hai nước.

Chia sẻ về công việc của mình, Thượng tá Nguyễn Xuân Bái, Đội trưởng Đội phân giới cắm mốc số 4 Việt Nam cho biết, thời gian qua, dù điều kiện thời tiết không thuận lợi, nắng mưa thất thường, nhưng trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị, toàn đội đã chủ động, cố gắng khắc phục khó khăn cũng như phối hợp chặt chẽ với Đội phân giới cắm mốc số 7 Campuchia thực hiện nhiệm vụ theo đúng kế hoạch. Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc tỉnh Đắk Nông đã triển khai xây dựng hoàn chỉnh 80 vị trí mốc phụ trên đoạn biên giới đã được Ủy ban Biên giới quốc gia chuyển vẽ cho Đắk Nông.

“Việc xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cột mốc phụ đã thể hiện, khẳng định được chủ quyền của Việt Nam. Điều này đảm bảo được tính bền vững, lâu dài, khẳng định chủ quyền tại các khu vực biên giới, góp phần củng cố vững chắc thế trận biên phòng trong khu vực biên giới, tạo một sự thống nhất cao từ cấp ủy, chính quyền, địa phương đến cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là nhân dân ở khu vực biên giới” - Thượng tá Nguyễn Xuân Bái nhấn mạnh.

Từ năm 2019, Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Nông đã ký kết biên bản bàn giao hệ thống mốc phụ, cọc dấu xây dựng hoàn thành cho lực lượng Biên phòng quản lý. Đối với phần diện tích chưa được phân giới cắm mốc, Sở Ngoại vụ của tỉnh đã luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương để tiếp tục triển khai, các đồn Biên phòng tiếp tục tăng cường tuần tra, kịp thời phát hiện các hư hỏng nếu có ở vị trí mốc chính, mốc phụ, tâm cồn bãi. Đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị bảo vệ biên giới của Campuchia làm tốt công tác quản lý đường biên, bảo vệ thành quả phân giới cắm mốc. Các Đội phân giới cắm mốc tỉnh tiếp tục rà soát các công việc còn lại, tham mưu Thường trực Ban Chỉ đạo triển khai nhiệm vụ ngoài thực địa.

Cũng như các tỉnh Tây Nguyên khác, địa thế hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt của tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia luôn là thử thách đối với những người làm nhiệm vụ này. Những vị trí phân giới cắm mốc hầu như trên núi và trong rừng sâu, không có đường cho xe cơ giới nên hầu hết đều phải hành quân bộ khá vất vả. Và những chiến sĩ Biên phòng lại là những người đi đầu phát cây mở đường, hướng dẫn đường đi do thông thuộc địa bàn, chịu trách nhiệm vận chuyển thiết bị và nhu yếu phẩm. Mùa mưa, khó khăn lại được nhân đôi, những con suối vốn hiền hòa bỗng trở nên dữ dội, những cơn lũ rừng bất thần quét đi tất cả trên hành trình của chúng... Nhưng sức mạnh của “thủy thần” trên cao nguyên M’nông đã không thể cuốn trôi được sự quyết tâm và ý chí sắt đá của các đội phân giới cắm mốc cũng như những người lính Biên phòng.

Do thời gian không cho phép, chúng tôi chỉ kịp đến với Đồn Biên phòng Tuy Đức để tham quan cột mốc số 55 và dự khán “Tiết học biên giới” định kỳ của đơn vị. Hàng trăm học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Tuy Đức đứng trang nghiêm chào cột mốc và chăm chú lắng nghe Thiếu tá Nguyễn Văn Nga, Chính trị viên phó của đơn vị giới thiệu về cột mốc biên giới. Tiếng địa phương nằng nặng, nhưng vui tai: “Các bạn có biết đây là gì không nào?”. “Dạ, là cột mốc biên giới ạ!”. “Đúng rồi! Đây là cột mốc chính số 55 trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia do Đồn Biên phòng Tuy Đức quản lý. Từ giữa tâm mốc về phía mặt có chữ Việt Nam là đất nước thân yêu của chúng ta. Mặt có chữ Campuchia là phía nước bạn rồi nhé. Các bạn chỉ bước nửa bước chân qua bên đó là đã vi phạm chủ quyền biên giới đó nghe”.

Cũng dịp này, chúng tôi có may mắn được chứng kiến chặng tuần tra song phương dài gần 12km từ mốc 55 đến mốc phụ 55/7 giữa Đồn Biên phòng Tuy Đức (Việt Nam); Tiểu đoàn 2, Tiểu khu Quân sự và Đồn Biên phòng Lumper, tỉnh Mondulkiri (Campuchia). Từ cột mốc 55 về phía Tây Nam, chỉ còn khoảng 20km nữa thôi là hành trình phân giới cắm mốc trên vùng biên xanh này sẽ tới đích, sẽ cần phải cắm 5 mốc chính từ mốc số 56 đến mốc số 60, giáp với địa bàn quản lý của tỉnh Bình Phước. Mọi công tác khảo sát, đánh giá thực trạng, thu thập thông tin và xây dựng kế hoạch phân giới cắm mốc đã sẵn sàng, nếu hoàn thành thì chẳng mấy mà những cột mốc kia sẽ lại vững vàng nơi biên ải.

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO