Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 08:50 GMT+7

Vững niềm tin biên giới

Biên phòng - Đóng quân trên địa bàn biên giới, nhiều năm nay, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm, BĐBP Thừa Thiên Huế đã trở thành điểm tựa tin cậy của người dân. Bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm và tấm lòng, các cán bộ, chiến sĩ của đồn đã lặng thầm giúp cho miền phên dậu khởi sắc.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm và lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn băng rừng, lội suối làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ biên giới. Ảnh: Tiêu Dao

Điểm tựa miền phên dậu

Tuyến tỉnh lộ từ trung tâm huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) vào Đồn Biên phòng Nhâm, BĐBP Thừa Thiên Huế (đóng ở xã Quảng Nhâm) dài khoảng 20km. Đồn Biên phòng Nhâm có nhiệm vụ quản lý 4 xã: Quảng Nhâm, Hồng Bắc, Hồng Thái và Hồng Thượng, huyện A Lưới. Đây là nơi sinh sống của đồng bào Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều, Pa Kô... Trước cái đói luôn thường trực, cán bộ, chiến sĩ BĐBP nơi đây đã giúp đỡ, hướng dẫn đồng bào phát triển chăn nuôi, trồng lúa nước, nhất là trồng rừng kết hợp với chăn nuôi.

Những năm qua, đơn vị thường xuyên cử các cán bộ xuống tận thôn, bản giáp biên vận động, giúp đỡ nhân dân tổ chức thành lập các mô hình “Tổ an ninh tự quản”, “Cụm gia đình tự quản”, “Nhóm hộ giúp nhau phát triển kinh tế”... Đặc biệt, BĐBP đã tổ chức và thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ, giúp đỡ người dân địa phương, nhất là vùng biên giới, như “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng”, “Xuân ấm biên giới”, “Trung thu biên cương”...; đồng thời, hỗ trợ hàng ngàn ngày công lao động, hỗ trợ xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội, tặng hàng trăm suất quà có giá trị cho học sinh và người dân tại địa phương.

Quảng Nhâm là một trong những xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện A Lưới, với hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp. Toàn xã có 1.001 hộ nằm trong diện hộ nghèo và cận nghèo, chiếm 80%. Trong thời gian qua, Đồn Biên phòng Nhâm đã chủ động phối hợp cùng chính quyền địa phương xây dựng các kế hoạch, mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tiêu biểu như các chương trình, mô hình: “Hũ gạo tình thương”, “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng”... mang lại những kết quả tích cực.

Điển hình như gia đình chị Hồ Thị Mậu (thôn Âr Kêu Nhâm) thuộc diện đặc biệt khó khăn, được BĐBP hỗ trợ lợn giống, hướng dẫn gia đình cách chăn nuôi, đàn lợn phát triển khỏe mạnh. Gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư thêm để mở rộng khu chăn nuôi phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Cạnh đó, ông A Viết Bổ là một trong 2 gia đình được nhận mô hình sinh kế từ đàn heo giống. Gia đình ông có hoàn cảnh khó khăn, mô hình sinh kế được trao tặng là nguồn vốn quý giá để gia đình tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững. Tương tự, ở thôn Kaleng A Bung (xã Quảng Nhâm) có 155 hộ dân là đồng bào Tà Ôi. Với sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm, đồng bào đã đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, nhân rộng mô hình chăn nuôi, từng bước hình thành nhiều mô hình sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế. Đến nay, toàn thôn chỉ còn 33 hộ nghèo, hầu như nhà nào cũng có 1ha trồng keo, đời sống được cải thiện rõ rệt.

Đồn Biên phòng Nhâm mới đây cũng hỗ trợ trao 4 suất học bổng cho các em học sinh được đỡ đầu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng”. Bên cạnh đó, đồn cũng đã trao tặng 2 mô hình sinh kế cho 2 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã biên giới Quảng Nhâm. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp với chính quyền địa phương huy động các nguồn tài trợ để hỗ trợ xây dựng nhà kiên cố cho các hộ nghèo.

Đơn cử như gia đình ông A Viết Cam (thôn Kaleng A Bung) thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vợ ông bị bệnh tim, thường xuyên đau ốm, cả gia đình hiện nay ở trong ngôi nhà tạm bợ, không đảm bảo mỗi khi mưa gió. Đồn Biên phòng Nhâm đã phối hợp với chính quyền xã kêu gọi các tổ chức chính trị xã hội, nhà hảo tâm phối hợp hỗ trợ kinh phí xây dựng khoảng 100 triệu đồng hoàn thành xây dựng nhà Tình thương cho gia đình ông A Viết Cam. Hay mới đây, vào cuối tháng 4/2023, Đồn Biên phòng Nhâm và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quảng Nhâm cũng hỗ trợ xây dựng nhà cho bà Blúp Thị Loong (thôn A Hươr Pa E) và ông Hồ Văn Lời (thôn Âr Kêu Nhâm).

Trạm quân y Đồn Biên phòng Nhâm là nơi khám chữa bệnh ban đầu cho nhiều người dân. Ảnh: Tiêu Dao

Trong căn nhà mới, bà Blúp Thị Loong chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn của xã. Hai vợ chồng thường xuyên đau ốm, diện tích đất để trồng trọt cũng ít nên việc mưu sinh rất vất vả. Trước đây, mỗi lần mưa bão, dù đã chằng buộc, che chắn nhưng vẫn bị mưa dột tứ bề, hắt cả vào giường. Nhờ Đồn Biên phòng Nhâm và chính quyền xã hỗ trợ kinh phí, giúp ngày công xây dựng nên giờ, tôi đã có ngôi nhà khang trang, kiên cố. Tôi rất hạnh phúc vì có thể ngủ ngon giấc, gia đình yên tâm hơn trong ngôi nhà mới”.

Niềm tin biên giới

Đồn Biên phòng Nhâm khang trang với vườn rau xanh um, mấy anh lính trẻ đang lúi húi tưới cây, đàn gà thong thả đi lại giữa vườn. Vài chậu bông giấy mùa này vẫn trổ hoa tưng bừng, làm tươi rói một góc sân. Với những người lính trẻ, có lẽ, sự trưởng thành và rắn rỏi không chỉ được rèn luyện bởi môi trường kỷ luật, mà còn qua tháng năm, bền gan, bền chí làm nhiệm vụ giữa núi rừng biên giới. Đồn Biên phòng Nhâm quản lý, bảo vệ tuyến biên giới dài 33km, giáp tỉnh Sê Kông, Lào, với 9 mốc biên giới (4 mốc trung, 5 mốc tiểu).

Hằng tháng, cán bộ, chiến sĩ thay phiên nhau tuần tra, bảo vệ cột mốc quốc giới. Cột mốc số 655 nằm xa nhất và có địa hình hiểm trở nhất. Để vào tới cột mốc này, BĐBP phải ngược sông, rồi đi bộ hàng giờ men theo dòng suối A Lin, đạp đá nhọn băng dòng khe Ly, khe Pi Ây, đến được chân đồi Pi Ây mới tới. Cứ như thế, ngày qua ngày, những người lính áo xanh không quản gian lao, hiểm nguy, với một tấm lòng trung kiên, bền bỉ, hy sinh thân mình để canh giữ bình yên nơi phên dậu Tổ quốc.

Trung úy Đỗ Xuân Công, Đội trưởng Đội Trinh sát (Đồn Biên phòng Nhâm) chia sẻ, việc sử dụng thành thạo ngôn ngữ của đồng bào đã nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, công tác xây dựng mối đoàn kết với cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới sẽ thuận lợi hơn khi quân với dân cùng chung tiếng nói. “Trong quá trình công tác, cán bộ Biên phòng đã học và nói, hiểu được tiếng bà con đồng bào, dễ dàng hòa nhập, tạo được niềm tin và kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Khi dân hiểu, dân tin, thì việc tuyên truyền, phổ biến cũng như hướng dẫn đồng bào biết cách làm ăn, phát triển kinh tế sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn” - Trung úy Đỗ Xuân Công cho biết.

Thượng tá Lê Xuân Thanh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhâm cho biết: "Trong những năm gần đây, Đồn Biên phòng Nhâm đã vận động được 1.456 hộ gia đình tham gia 46 Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới với phương châm “Mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”. Trong 5 năm qua, đơn vị đã phối hợp với các xã trên địa bàn tổ chức 240 đợt tuần tra với gần 2.000 lượt người tham gia. Việc phát huy sức mạnh toàn dân, nhân rộng phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới" là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đồng thời, củng cố, xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc nơi biên cương Tổ quốc".

Tiêu Dao

Bình luận

ZALO