Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 31/10/2024 07:20 GMT+7

Vững vàng bám biển Trường Sa

Biên phòng - Trên vùng biển, đảo Trường Sa luôn có hàng trăm tàu thuyền với hàng nghìn lao động từ các địa phương của cả nước hành nghề khai thác hải sản, phát triển kinh tế. Trên ngư trường truyền thống, bà con luôn có sự đồng hành, hỗ trợ rất thiết thực, kịp thời của các cơ quan, đơn vị, lực lượng đứng chân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Tinh thần đoàn kết, gắn bó quân dân tạo nên “thành trì’’ vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tàu cá của ngư dân vào âu tàu đảo Song Tử Tây để được hỗ trợ nước ngọt. Ảnh: Văn Mịch

Những ngày đầu tháng 5/2023, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, trên hải trình ra thăm quân, dân trên đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều tàu cá của ngư dân nước ta đang hành nghề khai thác hải sản trên biển. Đặc biệt, ở quanh vùng biển gần các đảo như: Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Tây A, Trường Sa…, hoạt động khai thác, thu mua hải sản của tàu cá, ngư dân nước ta diễn ra nhộn nhịp không kém gì các vùng biển gần bờ.

Qua câu chuyện với cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ trên con tàu của Vùng 4 Hải quân, các anh khẳng định, ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ và phía Nam luôn xem Trường Sa là ngư trường truyền thống. Tàu cá hoạt động ở đây với nhiều ngành, nghề, có thời gian bám biển khác nhau, nhưng mỗi chuyến ra Trường Sa, họ sẽ ở lại đánh bắt ít nhất từ 15-20 ngày, còn những tàu câu mực có khi 2-3 tháng mới vào đất liền.

Trong hải trình dài, đảo Song Tử Tây là nơi đoàn chúng tôi đặt chân đến đầu tiên. Khi tàu thả neo, mọi người đều nhìn thấy hòn đảo rộng lớn với một màu xanh của cây cối, âu neo đậu cho tàu thuyền tránh trú bão được xây dựng kiên cố, nhà cửa khang trang… Đặt chân lên đảo, Đội Dịch vụ hậu cần nghề cá âu tàu đảo Song Tử Tây nằm sát mặt biển, địa điểm mà bà con ngư dân hành nghề trên vùng biển Trường Sa thường tìm đến khi cần.

Ngay từ cổng đơn vị, Đại úy Nguyễn Văn Kiên, Đội trưởng Đội Dịch vụ hậu cần nghề cá âu tàu đảo Song Tử Tây, Hải đoàn 128, Vùng 4 Hải quân và đồng đội đón tiếp chúng tôi rất ân cần, cởi mở. Đại úy Kiên rót mời tôi một ly nước được nấu từ lá chè vối phơi khô từ đất liền đưa ra, rồi chia sẻ về nhiệm vụ của đơn vị: “Cùng với nhiệm vụ thường xuyên, đội chúng tôi có chức năng hỗ trợ ngư dân trong quá trình khai thác hải sản trên vùng biển Trường Sa, cụ thể như sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; cung cấp dầu cho ngư dân với giá như trong đất liền; sửa chữa tàu cá, cấp nước ngọt miễn phí cho các tàu cá…”.

Cũng theo giới thiệu của chỉ huy đơn vị Hải quân, được biết, âu neo đậu tàu thuyền trên đảo Song Tử Tây có tổng diện tích trên 58.000m2, sắp xếp được khoảng 100 tàu cá có công suất lớn vào tránh trú khi thời tiết trên biển diễn biến phức tạp. Ở đây, còn có bể chứa được hàng trăm mét khối nước ngọt cung cấp miễn phí cho ngư dân, đáng chú ý nhất ở đảo giữa trùng khơi có xưởng sửa tàu do những người lính thợ Hải quân vận hành hoạt động.

“Trên đảo, dù ngày hay đêm, chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ, sửa chữa tàu cá khi bị hư hỏng để ngư dân tiếp tục bám biển hành nghề. Xưởng của đơn vị được trang bị khá đầy đủ máy móc, với đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản nên có thể sửa chữa phần lớn các sự cố trên tàu cá cho bà con. Kể từ cuối năm 2022 đến nay, đội chúng tôi đã đón, sửa chữa cho 7 lượt tàu cá, cung cấp hàng trăm mét khối nước ngọt cho ngư dân. Bên cạnh đó, đơn vị tặng rau xanh từ nguồn tăng gia sản xuất và một số nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con” - Thiếu tá Nguyễn Văn Lâm, Tổ trưởng sửa chữa, Đội Dịch vụ hậu cần nghề cá âu tàu đảo Song Tử Tây cho biết.

Cán bộ Đội Dịch vụ hậu cần nghề cá âu tàu đảo Song Tử Tây tặng rau xanh và thực phẩm cho ngư dân. Ảnh: Văn Mịch

Nhiều năm bám biển Trường Sa, ông Nguyễn Tuấn (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), chủ tàu cá mang số hiệu QNg98746TS chọn nghề lưới vây để khai thác hải sản. Trong tháng 2/2023, khi vừa từ đất liền ra đến ngư trường quen thuộc hành nghề chưa được bao lâu, tàu cá của ông Tuấn bị hỏng trục tời lưới, không thể hoạt động được. Chi phí trung bình cho chuyến đi biển rất tốn kém nên ông rất lo lắng khi tàu gặp sự cố.

Trước tình huống đó, ông Tuấn đã quyết định điều khiển phương tiện vào âu tàu của đảo Song Tử Tây để tìm kiếm sự giúp đỡ. Tại đây, ông và các ngư dân trên tàu được những người lính Hải quân ân cần đón tiếp và khẩn trương kiểm tra sự cố của phương tiện. Ngay trong đêm hôm đó, dưới ánh điện trên đảo, những người thợ lính đã miệt mài sửa chữa xong sự cố hỏng hóc của máy tời trên con tàu cá. Để khi bình minh lên, ngày mới đến, ông Tuấn cùng bạn nghề tiếp tục cho phương tiện rời âu tàu khai thác hải sản. Cũng từ đó mà tình cảm của ngư dân và những người lính Hải quân trên đảo càng thêm khăng khít.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ngư dân Nguyễn Tuấn chia sẻ: “Đã nhiều năm hành nghề trên vùng biển Trường Sa, chúng tôi rất vui khi phần lớn các đảo của nước ta đang được đầu tư, xây dựng các âu neo đậu tàu thuyền lớn rất kiên cố. Khi gặp thời tiết xấu, sự cố trên tàu, bà con ngư dân thường xuyên nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của các lực lượng chức năng. Họ thực sự là điểm tựa để ngư dân yên tâm hành nghề khai thác hải sản và góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.

Viết Lam

Bình luận

ZALO