Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 05:29 GMT+7

Vươn mình khởi sắc ở huyện miền núi biên giới

Biên phòng - Phong Thổ là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Bắc của tỉnh Lai Châu, cách trung tâm tỉnh 30km, có 9 dân tộc cùng sinh sống. Huyện có 17 xã, trong đó có 12 xã biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Phong Thổ có địa hình phức tạp, chủ yếu núi cao, thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Độ cao so với mặt nước biển từ 1.000 đến 1.500m, điểm cao nhất là 1.800m, thấp nhất là 270m. Năm 2023, huyện Phong Thổ đã có nhiều khởi sắc trong phát triển kinh tế-xã hội, nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch trên giao, do vậy, đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số của huyện cũng có nét chuyển biến rõ rệt.

Công trình Nhà máy thủy điện Nậm Pạc, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Ái Vân

Để tăng đàn gia súc, giúp người dân phát triển kinh tế từ chăn nuôi, huyện Phong Thổ đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, tận dụng các nguồn vốn để hỗ trợ cho bà con về con giống, chuồng trại, hầm bioga, chủ động tiêm phòng định kỳ. Hiện nay, Phong Thổ có 16 cơ sở chăn nuôi, 3 cơ sở chăn nuôi trâu, bò, 1 cơ sở chăn nuôi ngựa, 6 cơ sở chăn nuôi dê, 6 cơ sở nuôi lợn theo quy mô trang trại, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt 5%. Tổng số gia súc là 46.102 con, gia cầm là 201.000 con, đạt 100% kế hoạch giao. Số mô hình, trang trại nuôi tập trung cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình nuôi trâu vỗ béo của anh Lù A Sỹ, bản Then Thâu, xã Bản Lang, là một trong những điển hình của huyện. Hiện nay, gia đình anh Sỹ có khoảng 20 con trâu, anh nuôi thêm 400 con vịt siêu trứng, 200 con gà và 2.500m2 mặt nước để nuôi cá giống. Trung bình mỗi ngày, anh bán trên 200 trứng. Từ mô hình chăn nuôi kết hợp với thả cá, mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh Sỹ thu về trên 200 triệu đồng.

Phong Thổ cũng quan tâm đến thị trường hàng hóa, dịch vụ, thu hút đầu tư kinh doanh. Trong năm, hàng hóa của huyện ổn định, nguồn cung dồi dào, đa dạng, phong phú, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 462 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 27 triệu đô la Mỹ; thu ngân sách Nhà nước năm 2023 ước đạt 1.500 tỷ đồng.

Ông Trần Bảo Trung, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: "Sau khi có nghị quyết của Đảng bộ, UBND huyện đã quyết liệt triển khai kế hoạch đến từng xã, bản, phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban phụ trách các xã, hỗ trợ trong công tác giảm nghèo. Bằng thực hiện các nghị quyết, các chính sách của tỉnh và các chương trình mục tiêu, chúng tôi cũng đã lồng ghép và hỗ trợ cho các hộ dân vươn lên thoát nghèo từ những mô hình phát triển cây ăn quả, mô hình chăn nuôi, trồng trọt".

Ngoài ra, Phong Thổ có 4 mỏ khai thác sản xuất đá xây dựng, 2 cơ sở khai thác cát, 2 nhà máy sản xuất gạch không nung, 1 nhà máy gạch tuynel, 9 cơ sở hộ gia đình sản xuất một số sản phẩm chủ yếu là đá xây dựng. Các sản phẩm vật liệu xây dựng được thị trường đánh giá cao, do chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt gần 565 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 37,9%. Trong đó, công nghiệp ngoài quốc doanh đạt gần 58 tỷ đồng; công nghiệp chế biến đạt 51 tỷ đồng; công nghiệp khai khoáng 23,8 tỷ đồng, sản xuất điện ước đạt 442,6 tỷ đồng, quốc doanh địa phương ước đạt 7 tỷ đồng.

Đến huyện Phong Thổ những ngày này, dễ dàng nhận thấy sự đổi thay rõ nét, toàn huyện có 16/16 xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 98,83% tỷ lệ thôn, bản có đường xe máy hoặc ô tô đi lại thuận lợi. Có được sự thay đổi đó là có nhờ sự chuyển mình trong tư duy, ý thức phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no của chính quyền và người dân ở nơi đây.

Năm 2023, các chỉ tiêu kinh tế của huyện Phong Thổ có bước chuyển biến tích cực, tất cả các lĩnh vực đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Diện tích gieo trồng cây lương thực của huyện đạt gần 8.400ha, sản lượng đạt gần 36.600 tấn, đạt trên 100% so với kế hoạch; 1.300ha cây cao su, 754ha chè, trong đó, diện tích trồng mới là 65.41ha, đạt 130,8% so với kế hoạch; 584ha cây mắc ca và gần 4.000ha cây ăn quả. Huyện cũng chú trọng phát triển một số cây trồng khác như: Dong riềng, mía, khoai sọ, lạc, đậu tương...

Vật liệu xây dựng được cung ứng cho các nhà thầu làm đường, trường, trạm, cầu ở trên địa bàn huyện Phong Thổ. Ảnh: Ái Vân

Cùng với đó, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Tổ chức kiện toàn các Ban chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành Luật Lâm nghiệp với 16.300 lượt người tham gia; tổ chức ký cam kết phòng cháy, chữa cháy rừng với gần 2.900 lượt người; phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Tổ chức triển khai chương trình trồng mới 2.500 cây xanh tại xã Bản Lang. Đồng thời, tổ chức chiến dịch trồng cây, trồng rừng năm 2023, thu hút trên 600 lượt cán bộ công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên và nhân dân tham gia. Triển khai trồng mới hơn 310ha rừng, đạt 103,55% kế hoạch. Đặc biệt, nhận thấy lợi nhuận kinh tế từ cây sâm Lai Châu, huyện đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ, liên kết với nhân dân trồng và chăm sóc cây sâm dưới tán rừng với kế hoạch và lộ trình cụ thể, đến nay, đã có gần 18ha được trồng sâm Lai Châu tại huyện.

Ông Trần Bảo Trung cho biết thêm, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện trong những năm gần đây đều tăng. Nhiều dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, tạo nên năng suất công nghiệp và sản phẩm công nghiệp đóng góp cho kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy công nghiệp khai thác khoáng sản sản xuất vật liệu xây dựng phát triển, đóng góp thêm sản phẩm công nghiệp của địa phương.

Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, huyện Phong Thổ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới đến từng người dân, huy động thêm các nguồn lực từ các doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững trong thời gian tới.

Ái Vân

Bình luận

ZALO