Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 04:15 GMT+7

Vượt qua suy thoái toàn cầu

Biên phòng - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2023 đạt 5,8%, thấp so với mức dự báo trước đó là 6,5%. Theo ADB, các yếu tố khiến suy giảm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu đến từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm; chính sách thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế lớn, nhu cầu tiêu dùng giảm, tác động tiêu cực đến sản xuất, chế biến, chế tạo...

Ảnh: minh họa

Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn trụ vững trong bối cảnh đầy thách thức, nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, tiêu dùng nội địa tăng trưởng mạnh và lạm phát được kiểm soát ở mức 3,8%.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 đề ra. Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm đã đạt 497,66 tỷ USD, xuất siêu 21,68 tỷ USD, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán, hỗ trợ cân đối cung cầu ngoại tệ.

Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đáng chú ý là giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng lần đầu tiên vượt mốc 50% kế hoạch; tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký 9 tháng vào Việt Nam đạt trên 20 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI đạt hơn 15,9 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018-2023. Tình hình phát triển doanh nghiệp ngày càng tích cực với hơn 165 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường từ đầu năm đến nay.

Trước những thách thức do suy thoái kinh tế toàn cầu và bất ổn địa chính trị tiếp tục diễn ra, các chuyên gia lưu ý, kinh tế Việt Nam trong thời gian tới vẫn gặp nhiều khó khăn khi các nền kinh tế lớn phục hồi yếu, nhu cầu thị trường bị thu hẹp, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, nợ xấu có xu hướng tăng, các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro... Bên cạnh đó, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công và những yếu kém về cấu trúc trong nội tại nền kinh tế là những nguy cơ chính dẫn tới giảm tốc tăng trưởng.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 6% trong năm 2024, lạm phát duy trì dưới mức 4%, nhờ một số lĩnh vực kinh tế có triển vọng tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Cụ thể, lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng tiếp tục mở rộng nhờ tiêu dùng nội địa, du lịch và các dịch vụ liên quan tăng trưởng mạnh từ cuối năm 2023. Nông nghiệp sẽ được hưởng lợi từ giá lương thực tăng, dự kiến tăng trưởng 3,2% trong năm 2023 và năm tiếp theo. Hoạt động thương mại mạnh mẽ sẽ giúp duy trì thặng dư tài khoản vãng lai khi hoạt động sản xuất được phục hồi, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng lên.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong bối cảnh này, mục tiêu của kế hoạch những tháng cuối năm và năm 2024 được xác định tiếp tục tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế, để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,0-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD...

Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân. Trong đó, tập trung giải ngân khoảng 30 tỷ USD các dự án đầu tư công trong năm nay, vì điều này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các ngành như xây dựng, sản xuất nguyên vật liệu và mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn.

Đồng thời, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển mạnh thị trường trong nước và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu, phấn đấu thặng dư thương mại bền vững.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO