Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 20/01/2025 07:25 GMT+7

WB đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm

Biên phòng - Theo báo cáo vừa công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong tháng Ba này, kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận những diễn biến tích cực nhờ có biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, song vẫn cần chú trọng đến công tác tiêm phòng, cũng như cần có chính sách hỗ trợ, can thiệp kịp thời cho khu vực tư nhân.

Công ty Cổ phần may Tiên Hưng, tỉnh Hưng Yên năm 2020, doanh thu ước đạt gần 300 tỷ đồng. Ảnh: TTXVN

Về tình hình dịch bệnh, WB đánh giá những biện pháp ứng phó kịp thời của Chính phủ Việt Nam đã giúp nhanh chóng kiểm soát đợt bùng phát dịch Covid-19 vào cuối tháng Một vừa qua. Nhờ có các biện pháp giãn cách xã hội nghiệm ngặt vào cuối tháng Một và nửa đầu tháng Hai vừa qua, số lượng ca nhiễm mới có xu hướng giảm và các hạn chế phần nào được nới lỏng trong nửa cuối tháng Ba này.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn phê duyệt 3 loại vaccine ngừa Covid-19, thông qua nghị quyết mua tổng cộng khoảng 150 triệu liều và công bố nhóm đối tượng được ưu tiên.

Theo báo cáo, do đợt nghỉ Tết Nguyên đán, sản xuất công nghiệp đã bị chậm lại, song tính bình quân, trong 2 tháng đầu năm nay, chỉ số này vẫn ghi nhận mức tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, sản xuất kim loại và sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tiếp tục tăng lần lượt 8,6% và 3,2% trong tháng Hai vừa qua, nhờ nhu cầu cao trên thị trường thế giới.

Mặc dù có đợt bùng phát dịch Covid-19 mới, song tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng Hai vừa qua vẫn tăng 0,3% so với tháng trước và 8,3% so với cùng kỳ năm trước nhờ nhu cầu tiêu dùng cao hơn trong dịp Tết.

Dù vẫn thấp hơn trước khi có dịch Covid-19, tỷ lệ tăng trưởng này cho thấy những biện pháp ứng phó có mục tiêu của Chính phủ Việt Nam đã giảm thiểu tác động tiêu cực của những biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt đối với các hoạt động kinh tế lan sang các tỉnh ngoài tâm dịch.

Trong lĩnh vực ngoại thương, xuất khẩu giảm nhẹ ở mức 4,2%, trong khi nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh ở mức 11,8% dẫn đến thâm hụt thương mại lần đầu tiên được ghi nhận trong 10 tháng.

Dữ liệu sơ bộ cho thấy xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc tăng, trong khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hàn Quốc và Nhật Bản giảm.

Kim ngạch nhập khẩu tăng là do nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng Hai vừa qua đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái với nhập khẩu điện thoại, máy tính, điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị chiếm một nửa tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc và tăng hơn 75% so với cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh sự phụ thuộc nhiều của Việt Nam vào nhập khẩu trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm nay, Chính phủ Việt Nam thu ngân sách 286.700 tỷ đồng, cao hơn 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên tổng thu ngân sách Nhà nước tăng kể từ đầu cuộc khủng hoảng Covid-19 một năm trước.

Kết quả tích cực này phản ánh sự phục hồi kinh tế đang diễn ra và việc chấm dứt hầu hết các ưu đãi thuế được áp dụng từ tháng 4-2020. Chính phủ Việt Nam hiện đang thảo luận đề xuất của Bộ Tài chính về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đợt hai.

Tổng quy mô của gói hỗ trợ này ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD). Nếu được thông qua và thực hiện tốt, chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình duy trì hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch vốn vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, WB cho rằng Việt Nam cần đặc biệt chú ý đến việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 vì hoạt động này sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việt Nam có thể sẽ cần thêm những can thiệp về chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi nhu cầu của khu vực tư nhân.

Theo vietnamplus.vn

Bình luận

ZALO