Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 04:49 GMT+7

Xã hội hóa nguồn lực trồng rừng

Biên phòng - Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề môi trường cấp bách như: suy giảm diện tích rừng tự nhiên và đa dạng sinh học; ô nhiễm môi trường, thiên tai ngày càng cực đoan... Để giải quyết các thách thức này, cần huy động sức mạnh tổng lực từ xã hội nhằm thúc đẩy nỗ lực chung trong việc phục hồi thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đoàn viên, thanh niên BĐBP Sóc Trăng và các đơn vị tại địa phương tham gia trồng rừng ngập mặn. Ảnh: Văn Long

Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu; xếp hạng 127/182 quốc gia rất dễ bị tổn thương trên thế giới trước biến đổi khí hậu. Trong 30 năm qua, nước ta đã mất khoảng 2,8 triệu ha rừng tự nhiên, do chặt phá trái phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Suy giảm diện tích rừng tự nhiên không chỉ làm giảm nguồn lợi từ rừng mà còn gây ra những tác động tiêu cực cho sự ổn định của hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và mất khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Cộng với ô nhiễm môi trường đang gây nhiều hệ lụy đến sự phát phát triển bền vững của đất nước.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, để giải quyết những thách thức thiên niên kỷ này, Việt Nam đang tập trung thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, trong đó có ít nhất 310 triệu cây xanh trồng tập trung trong rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất.

Để đạt được mục tiêu trên, cần nhiều nguồn ngân sách, trong đó xã hội hóa đang được xem là nguồn quan trọng để huy động nguồn lực từ các nhà tài trợ, các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân ... cho các hoạt động trồng và bảo vệ rừng. Chỉ tính riêng trong năm 2022, tổng nguồn vốn đầu tư cho trồng cây, trồng mới rừng trên 3.520 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động được từ xã hội hóa đạt 1.688 tỷ đồng, chiếm 48%.

Cả nước hiện có 4,4 triệu ha rừng trồng sản xuất. Trong số này, có khoảng 1,4 triệu hộ gia đình, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng trên 3,146 triệu ha đất lâm nghiệp. Việc giao đất cho các hộ đã và đang đem lại những lợi ích lớn về kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần làm tăng độ che phủ của rừng lên 42,02%.

Bên cạnh đó, một số tổ chức, doanh nghiệp có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, như: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên (GAIA) đã tổ chức trồng được trên 125ha rừng, tương đương 228.000 cây xanh trong năm 2022; Chương trình “Một triệu cây xanh cho Việt Nam” của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam; các đơn vị thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) triển khai hiệu quả 566 dự án bảo vệ môi trường; 214 dự án ứng phó biến đổi khí hậu...

Theo các chuyên gia môi trường, nguồn lực xã hội hóa cho trồng và bảo vệ rừng được hình thành rất đa dạng đến từ nguồn quỹ quốc tế và trong nước. Tuy nhiên, môi trường pháp lý chưa rõ ràng, chưa thuận lợi cho các địa phương, đơn vị thực hiện chức năng huy động vốn, cũng như hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thủ tục phê duyệt, xác nhận viện trợ, quyết toán khó khăn phức tạp làm nản lòng các nhà khoa học trong việc thực hiện các dự án.

Nhằm tạo thuận lợi cho thu hút nguồn lực xã hội hóa cho trồng rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, các nhà khoa học kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp liên quan đến các hoạt động này, đảm bảo đồng bộ, công khai, minh bạch.

Đồng thời, Chính phủ cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, vận động xã hội hóa; làm rõ quyền, lợi ích và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia xã hội hóa và chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực này, như miễn giảm một số loại thuế, phí...

Rõ ràng, nhờ có xã hội hóa nguồn lực của cộng đồng và doanh nghiệp mà Nhà nước đã giảm được rất nhiều chi phí cho công tác bảo vệ môi trường và cái được lớn nhất là làm thay đổi được nhận thức, hình thành ý thức trách nhiệm chung tay bảo vệ môi trường của cả xã hội và mỗi người dân.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO