Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 07:53 GMT+7

Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm nội bộ trong BĐBP đảm bảo chất lượng, hiệu quả

Biên phòng - Ngày 10/1, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức Hội nghị tổng kết công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), quy phạm nội bộ (QPNB) năm 2022, 2023. Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP chủ trì hội nghị.

Trung tướng Lê Đức Thái phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Ngọc Lâm

Cùng dự hội nghị có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP; Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP; Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tư lệnh BĐBP; đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng; Thủ trưởng Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, các Cục, Văn phòng Bộ Tư lệnh BĐBP và đại diện các cơ quan chức năng Bộ Tư lệnh BĐBP.

Theo thông tin tại hội nghị, trên cơ sở kiến nghị, đề xuất của Bộ Tư lệnh BĐBP, trong 2 năm qua, Bộ Quốc phòng giao Bộ Tư lệnh BĐBP soạn thảo 20 văn bản gồm: 1 nghị định, 11 thông tư, 7 văn bản QPNB cấp Bộ Quốc phòng, 1 hướng dẫn của Bộ Quốc phòng; Bộ Tư lệnh BĐBP xác định đưa vào kế hoạch và tổ chức xây dựng 51 văn bản QPNB, 2 Sổ tay hướng dẫn cấp Bộ Tư lệnh. Tổng cộng đã có 73 văn bản được đưa vào chương trình, kế hoạch của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, hết sức nặng nề và số lượng văn bản lớn nhất từ trước đến nay.

Ngay từ đầu năm 2022, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, giao Bộ Tham mưu BĐBP là Cơ quan thường trực, Phòng Pháp chế là cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo. Bộ Tham mưu BĐBP, các Cục thành lập Bạn soạn thảo của cơ quan, đơn vị mình, xây dựng kế hoạch soạn thảo, thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết tâm, quyết liệt của cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ nhằm sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về Biên phòng. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đầy đủ, an toàn, có tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn công tác Biên phòng, phục vụ tốt cho công tác chỉ huy, chỉ đạo, điều hành của các cấp trong BĐBP; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, duy trì an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Ngọc Lâm

Đặc biệt, các hình thức, biện pháp công tác biên phòng lần đầu tiên được thể chế dưới hình thức văn bản QPPL, QPNB; trong đó nhiều quy định mới về chỉ huy, chỉ đạo, điều hành của các cấp chỉ huy BĐBP và đơn vị cơ sở trong tổ chức và thực hiện nhiệm vụ của Hải đoàn Biên phòng, Hải đội, đồn, trạm Biên phòng trong tuần tra kiểm soát, quy định về xây dựng quyết tâm, kế hoạch bảo vệ biên giới... được cụ thể hóa, thực hiện thống nhất bằng quy định của Bộ Tư lệnh BĐBP.

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã bổ sung thêm những kết quả triển khai thực hiện và đánh giá, làm rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong xây dựng văn bản QPPL, QPNB được giao và đưa ra các kiến nghị, đề xuất để nâng cao chất lượng công tác soạn thảo văn bản trong thời gian tới.

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Lâm

Phát biểu kết luận hội nghị, Trung tướng Lê Đức Thái ghi nhận và biểu dương tinh thần trách nhiệm của Bộ Tham mưu BĐBP - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, Phòng Pháp chế - Cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo và các Cục, các phòng, ban được giao chủ trì soạn thảo đã hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2022, 2023.

Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ soạn thảo văn bản QPPL, QPNB trong thời gian tới, Trung tướng Lê Đức Thái yêu cầu các cơ quan chuyên môn cần tiếp tục kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng văn bản QPPL, QPNB của Bộ Tư lệnh BĐBP; căn cứ tổng hợp đề xuất xây dựng văn bản QPNB của Phòng Pháp chế và đề xuất của các cơ quan, đơn vị tại hội nghị.

Đồng thời, giao Phòng Pháp chế căn cứ vào chương trình xây dựng văn bản năm 2024 của Bộ Quốc phòng, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị khẩn trương rà soát, báo cáo Bộ Tư lệnh BĐBP đưa vào kế hoạch soạn thảo văn bản QPPL, QPNB năm 2024; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị về trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản; thẩm định văn bản QPNB bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định, kiên quyết không thông qua đối với các văn bản QPNB không đủ hồ sơ, chất lượng không bảo đảm.

Thiếu tướng Trần Văn Bừng, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Lâm

Đồng chí Tư lệnh BĐBP yêu cầu đối với các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ soạn thảo cần căn cứ nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập ban, tổ soạn thảo, triển khai thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản; bố trí nhân lực, kinh phí soạn thảo và tổ chức phương pháp làm việc khoa học bảo đảm chất lượng và tiến độ được giao theo Kế hoạch của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP.

Ngọc Lâm

Bình luận

ZALO