Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 29/06/2024 10:38 GMT+7

Xây dựng môi trường giao thông văn minh

Biên phòng - Trong 11 tháng năm 2023, cả nước xảy ra 11.779 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 6.381 người chết, 4.816 người bị thương và 3.672 người bị thương nhẹ. Tính bình quân một ngày có 35 vụ TNGT, làm 19 người chết, 25 người bị thương. Đây thực sự là một thông tin gây lo ngại khi lượng người tham gia giao thông không có đột biến, các biện pháp phòng, chống TNGT được triển khai quyết liệt.

Ảnh: minh họa

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nhiều địa phương thực hiện được mục tiêu kéo giảm TNGT cả “3 tiêu chí” nhờ sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt việc kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm nồng độ cồn trở thành điểm sáng trong việc thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông. Song với tình hình số vụ, số người bị thương do TNGT trong 11 tháng qua cao hơn cả năm 2022, cho thấy công tác quản lý về trật tự an toàn giao thông còn nhiều bất cập.

Nhiều chuyên gia giao thông quan ngại, giảm tai nạn do nồng độ cồn là trông thấy nhưng rõ ràng còn nhiều nhân tố khác gây mất an toàn cho người tham gia giao thông như vi phạm về tốc độ, người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe, người chưa đủ tuổi tham gia giao thông, buông lỏng quản lý phương tiện kinh doanh vận tải...

TNGT đường bộ vẫn chiếm trên 99% tổng số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT. Đồng nghĩa với việc chưa có sự chuyển dịch tích cực về cơ cấu vận tải giữa các loại hình. Áp lực giao thông vẫn đè nặng lên đường bộ, với sự gia tăng chóng mặt xe cá nhân, phương tiện vận tải của các doanh nghiệp, trong khi những kế hoạch đầu tư hạ tầng đang chủ yếu dồn cho đường bộ.

Đáng lo ngại là hệ thống đường bộ được nâng cấp, mở rộng, tốc độ cao, nhưng ý thức, kỹ năng của người tham gia giao thông vẫn chưa được cải thiện thì tai nạn tăng lên là tất yếu. Nguy cơ từ sự buông lỏng quản lý, hoặc quản lý yếu kém đối với nhóm phương tiện đường bộ đã và đang hiện hữu trong 80% vụ TNGT nghiêm trọng do xe chạy quá tốc độ hoặc không làm chủ tốc độ; gần 900 vụ TNGT xảy ra với trẻ em trong năm qua; nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe hợp đồng, xe kinh doanh vận tải...

Trong khi đó, với nhiều người tham gia giao thông, thông điệp “thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” vẫn chưa trở thành ý thức tự giác và hành động cụ thể. Nhiều người vẫn coi đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là chuyện của cơ quan quản lý nhà nước, của các cấp chính quyền và lực lượng chức năng, mà không xác định trật tự, an toàn của cộng đồng bắt đầu từ mỗi hành động nhỏ của cá nhân và được thúc đẩy bởi nhận thức đúng đắn. Thậm chí, có ý kiến cho rằng việc kiểm soát nồng độ cồn đang quá khắt khe, phần nào ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân cũng như các hoạt động kinh tế.

Rõ ràng, các biện pháp ngăn chặn vẫn chủ yếu dựa vào các chiến dịch tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng và nhiều khi mang tính đối phó sau khi phát sinh những sự cố, vụ việc nghiêm trọng.

Thực tế, từ khi lực lượng cảnh sát giao thông quyết liệt kiểm tra, xử phạt các trường hợp tham gia giao thông mà vi phạm nồng độ cồn, các vụ TNGT do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia giảm đáng kể (giảm 25% về số vụ, giảm 50% số người chết và giảm 22,6% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022). Với mức phạt cao và tăng cường xử phạt, người tham gia giao thông dần dần hình thành ý thức “nói không với rượu bia khi lái xe”.

Do vậy, trong khi chờ sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật để khắc phục những “lỗ hổng” trong bảo đảm an toàn giao thông, mỗi người dân cần thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng từ việc tuân thủ các qui định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đến sự chung tay cùng cả hệ thống chính trị xây dựng môi trường giao thông văn minh, an toàn.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO