Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 27/06/2024 09:19 GMT+7

Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán

Biên phòng - Đó là khẳng định của ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam tại Diễn đàn trực tuyến với chủ đề "Kết nối cung cầu cây ăn trái" do Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng nay, 4-12.

Năm 2022, Trung Quốc có thể xem xét nhập khẩu chanh leo Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, các khó khăn mà ngành rau quả đang phải đối mặt là dịch Covid-19, khiến quá trình xuất khẩu bị ách tắc, tăng trưởng chững lại so với trước đây. Cụ thể, các doanh nghiệp gặp khó khăn khi thuê tàu, thuê container… gây ra tình trạng ứ đọng rau quả do vấn đề thu mua bị khó.

“Theo thông tin của chúng tôi, Trung Quốc dự định sẽ ngừng nhập khẩu ít nhất 6 tuần trong dịp Tết Nguyên đán, điều này có thể làm gia tăng tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết.

Thêm khó khăn nữa mà ông Nguyên đưa ra là do chưa thể chế biến sâu nên rau quả Việt Nam khó có thể phục vụ các thị trường có khoảng cách địa lý lớn bằng những hình thức vận chuyển giá rẻ. Bên cạnh đó, rau quả của chúng ta sản xuất có nhiều loại Trung Quốc cũng sản xuất được. Hơn nữa, vườn trái cây sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của ta còn ít dẫn đến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm nguồn nguyên liệu để xuất khẩu.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến cuối năm, sản lượng trái cây của nước ta có thể là 700.000 tấn. Nếu tính đến tết thì là hơn 1,7 triệu tấn. Đây là con số cần phải tính toán để tiêu thụ.

Theo ông Tùng, trong quý I năm 2022, công tác tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả của các tỉnh phía Nam có thể gặp phải một số khó khăn. Cụ thể, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến công tác tiêu thụ và xuất khẩu. Yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu ngày càng cao. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc có thể tăng cường các biện pháp kiểm tra dịch bệnh tăng thêm, điều này có thể làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu…

Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 9 loại quả tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, bao gồm thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt.

Việt Nam đang tích cực vận động phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý, kỹ thuật để mở cửa thị trường sớm cho các mặt hàng nông, thủy sản mà Việt Nam có thế mạnh như sầu riêng, bưởi, chanh leo, na, roi, bơ, dừa, tổ yến, khoai lang tím, thủy hải sản tươi sống, sản phẩm sữa các loại...

“Nếu không do Covid, phía Trung Quốc đã sang phối hợp kiểm tra về vùng trồng khoai lang và sầu riêng. Dự kiến cuối năm nay hoặc sang năm 2022, Trung Quốc sẽ áp dụng phương pháp kiểm tra trực tuyến với ba loại nông sản nêu trên. Năm 2022, Trung Quốc cũng có thể sẽ xem xét nhập khẩu chanh leo Việt Nam”, ông Lê Văn Thiệt, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật, cho biết.

Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt là xuất khẩu, ông Tùng đề nghị các địa phương, cần nắm chắc sản lượng, chất lượng cây ăn quả trên địa bàn của mình, để có những dự báo dài hơi về tất cả các vấn đề, kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ có phương án kết nối sớm.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh đánh giá cấp mã số vùng trồng, xây dựng kế hoạch tiêu thụ cụ thể, kết nối doanh nghiệp thu mua trái cây; Đẩy mạnh công tác bảo quản, chế biến, số hóa các loại nông sản để xây dựng kế hoạch tiêu thụ dài hơi trong nhiều năm…

Năm 2021, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, nhưng giá trị xuất khẩu rau quả 10 tháng 2021 vẫn tăng cao, đạt 2,82 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2020 với thị trường xuất khẩu trên 60 nước và vùng lãnh thổ.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO