Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 31/10/2024 07:21 GMT+7

Xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới

Biên phòng - Bộ Công thương dự báo, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ đạt từ 640 - 645 tỷ USD và cán cân thương mại duy trì ở mức xuất siêu nhẹ. So với 543,9 tỷ USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 thì đây là con số kỷ lục, trong bối cảnh ảnh hưởng tiêu cực của  dịch Covid-19 đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, thương mại toàn cầu giảm sút, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước.

Vượt qua sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ liên tục tăng. Ảnh: Internet

Theo các chuyên gia, với sự điều hành khéo léo, tỉnh táo và rất kiên quyết của Chính phủ với mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đứng vững trong sự đứt gãy thương mại quốc tế trên toàn cầu, giữ được đà tăng trưởng và tạo lực kéo quan trọng cho cả nền kinh tế.

Đặc biệt là những nỗ lực của doanh nghiệp sau quá trình vượt qua những khó khăn từ tác động của dịch Covid-19 để duy trì và phục hồi sản xuất. Các ngành có thế mạnh như thiết bị, dệt may, da giày, gỗ, thủy sản... dù chịu tác động lớn của dịch bệnh nhưng vẫn đạt mục tiêu sớm hơn dự kiến.

Bộ Công thương nhận định, từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp trong các ngành có thể lấy lại được tốc độ tăng trưởng như trước khi có dịch. Ngoài ra, những ngành hàng truyền thống, có thế mạnh xuất khẩu như điện thoại, điện tử, máy móc, linh kiện... cũng có thể đạt mức tăng trưởng xuất khẩu từ 15 - 25% trong năm nay.

Có thể thấy rõ tác động tích cực sau 3 năm thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hơn 1 năm thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Mỹ hiện là thị trường có sức tăng trưởng số 1 của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ tăng hàng trăm lần, từ 451 triệu USD năm 1995 lên 90,8 tỷ USD năm 2020 và dự báo năm 2021, kim ngạch hai chiều có thể đạt 100 tỷ USD.

Ngay cả với thị trường mà Việt Nam chưa từng ký Hiệp định thương mại tự do như Canada, Mexico và Peru nhưng nhờ CPTPP, xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường này đều có mức tăng trưởng mạnh từ 25 - 30%/năm.

Tại thị trường EU, Việt Nam đã được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập và có giá trị tồn tại lâu dài. Nhờ đó, trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với EU trong 10 tháng năm 2021 đạt 59,45 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa hiện nay, trước tiên, là vấn đề lao động. Việc kêu gọi lao động trở lại làm việc gặp nhiều khó khăn và doanh nghiệp chưa thể phục hồi 100% công suất.

Bên cạnh đó, do tác động của dịch Covid-19 nên thị trường nguyên liệu của thế giới và dịch vụ logistics đều đang gia tăng chi phí. Những yếu tố này sẽ đẩy áp lực về chi phí cho doanh nghiệp. Nếu như các địa phương không tuân thủ triệt để Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” cũng như có biện pháp chống dịch vượt quá phạm vi, quá mức độ cần thiết sẽ gây tâm lý ảnh hưởng cho doanh nghiệp cũng như niềm tin của nhà đầu tư.

Mặt khác, các chuyên gia lưu ý, các doanh nghiệp cần tìm hiểu pháp luật và các hiệp định thương mại về phòng vệ thương mại... Đồng thời cân nhắc khi nhận trợ cấp trực tiếp hoặc gián tiếp của Nhà nước trong các lĩnh vực cạnh tranh xuất khẩu giá thấp, để tránh bị áp thuế chống bán phá giá.

Mặt khác, doanh nghiệp cần tỉnh táo không tiếp tay xuất nhập khẩu cho hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ mờ ám, đội lốt, không rõ ràng, tuân thủ các quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhất là nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý...

Cùng với sự phục hồi mạnh của kinh tế thế giới, Nghị quyết 128/NQ-CP và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ là cơ hội cho hàng xuất khẩu của Việt Nam tiến thêm một mốc mới trong năm nay.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO