Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:14 GMT+7

Ý Đảng, lòng dân trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 (bài 2)

Biên phòng - Dù phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thử thách nhưng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng sự đoàn kết, quyết tâm của toàn dân, toàn quân, nước ta từng bước khống chế, đẩy lùi “giặc” dịch Covid-19. Chiến thắng trước “kẻ thù” phi truyền thống này tiếp tục chứng minh một thực tế là Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta luôn vì nhân dân phục vụ, đồng thời khẳng định vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Bài 1: Cả hệ thống chính trị kiên định, bền bỉ chống “giặc”

Bài 2: Toàn dân đồng sức, đồng lòng chống “giặc”

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã đồng sức, đồng lòng sát cánh với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19. Bằng tất cả nỗ lực, sự quyết tâm của mình, mọi cá nhân, tổ chức đã có cách làm riêng, thiết thực, hiệu quả để chia sẻ với đất nước, đồng bào trong thời điểm khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn biên giới tỉnh Lai Châu thực hiện cách ly sau khi nhập cảnh từ Trung Quốc về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng. Ảnh: Viết Lam

“Mỗi người dân là một chiến sĩ”

Nhờ những chủ trương lớn, kịp thời, cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nước ta đã bước đầu khống chế được dịch Covid-19, bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới nên có thời điểm, Chính phủ đã thực hiện các biện pháp như giãn cách xã hội, không mở cửa đón khách du lịch quốc tế... để phòng, chống dịch lây lan. Điều đó tác động không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế đất nước, nhiều người bị mất việc làm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.

Đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, ngày 30-3-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi: “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid -19”. Lời hiệu triệu đã nhấn mạnh thông điệp về sự đoàn kết: “Toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”.

Đáp lại Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhân dân cả nước đã tuyệt đối tin tưởng, chấp hành chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch do cấp ủy, chính quyền địa phương đưa ra. Người dân trong nước chấp nhận những khó khăn trước mắt, hạn chế đi lại, tạm dừng các hoạt động vui chơi giải trí, tụ tập đông người, thực hiện các biện pháp phòng dịch trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Đồng bào ở nước ngoài trở về tuân thủ thời gian cách ly, theo dõi sức khỏe đề phòng mang mầm bệnh vào đất nước. Cũng để ngăn chặn nguồn lây của dịch Covid-19 từ bên ngoài, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ BĐBP trên các tuyến biên giới đã kiên trì bám chốt, ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép. Không chỉ đối mặt với những gian khổ, khó khăn, ăn rừng, ngủ lán, rất nhiều người đã hy sinh tình cảm riêng để thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, có những đồng chí khi người thân qua đời không thể về chịu tang, hoãn đám cưới để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ...

Ở địa bàn nội địa, hàng chục nghìn quân nhân ở các đơn vị quân đội đã nhường doanh trại, trực tiếp phục vụ đồng bào thực hiện cách ly. Hình ảnh những chiến sĩ áo trắng nhiều ngày đêm xông pha trên các mặt trận điều tra dịch tễ, điều trị cho người bị nhiễm Covid-19 khiến chúng ta cảm động. Dẫu đối mặt với bao hiểm nguy, nhưng vẫn có hàng nghìn y, bác sĩ tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch.

Mặc dù phải chịu tác động lớn từ suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã ủng hộ vật chất, trang thiết bị y tế để cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ đẩy lùi dịch, bệnh. Đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức cũng chung tay quyên góp ủng hộ chính quyền, lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ chống dịch Covid-19. Không chỉ trong nước, kiều bào ta đang sinh sống ở nhiều nước trên thế giới cũng đóng góp số tiền lớn để gửi về hỗ trợ đất nước trong cuộc chiến với “giặc” Covid-19. Tiêu biểu như gia đình bà Nguyễn Thị Minh Hồng, định cư ở Frankfurt (Đức) trao tặng 2 hệ thống thiết bị y tế lắp đặt phòng cách ly áp suất âm sử dụng cho bệnh viện dã chiến Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh); Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Anh, ông Phạm Minh Nam đóng góp 1 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19...

“Lá lành đùm lá rách”

Không chỉ ủng hộ chủ trương, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 do cấp ủy, chính quyền địa phương đưa ra, nhân dân ta cũng phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” để chia sẻ với những người yếu thế trong xã hội. Những ngày đầu khi dịch Covid-19 mới bùng phát, việc giao thương hàng hóa, trong đó có việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản như thanh long, dưa hấu... sang thị trường Trung Quốc bị tạm dừng. Hàng trăm, hàng nghìn tấn nông sản đang vào mùa thu hoạch chính vụ của nông dân đứng trước nguy cơ hư hỏng, hàng nghìn gia đình nông dân ở nhiều địa phương trên cả nước bị trắng tay. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, người dân cả nước lại chung tay “giải cứu” dưa hấu, thanh long giúp người nông dân. Cũng vì mục đích đó, một số doanh nghiệp đã nghĩ ra những sản phẩm mới như bánh mì thanh long được nhiều người ủng hộ...

Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội tinh thần đoàn kết của nhân dân ta lại được phát huy cao độ, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã chung tay cho ra đời những cây “ATM” gạo miễn phí, siêu thị “0 đồng” cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân nghèo. Rồi những bà mẹ, những em học sinh cũng dành khoản tiền tiết kiệm hàng ngày... góp phần nhỏ vào công cuộc chống dịch.

Người dân nghèo ở thành phố Đà Nẵng nhận gạo miễn phí từ cây “ATM” gạo. Ảnh: CTV

Trong bộn bề khó khăn của cuộc sống mưu sinh thường ngày, người nông dân ở các địa phương vẫn quyên góp rau, củ quả... do mình trồng, sản xuất được để gửi về ủng hộ người dân ở thành phố đang trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch. Chúng ta không khỏi cảm động khi các hộ dân thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã góp hơn 9 tấn rau, củ quả, rau rừng để gửi về chia sẻ với người dân thành phố Đà Nẵng trong thời điểm địa phương này thực hiện giãn cách xã hội.

Những ngày giữa tháng 8-2020, ông Hồ Văn Trung, ở thôn 3, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đi xe máy chở một gùi lớn đầy ắp rau ngót, lá lốt, bí đỏ, sả... đến khuôn viên Nhà văn hóa huyện Nam Trà My để gửi về Đà Nẵng hỗ trợ đồng bào. Được biết, toàn bộ số rau, quả này được gia đình thu hoạch trên nương rẫy cách nhà 3km. Khi được hỏi, ông Trung chia sẻ rằng: “Hồi trước, mỗi lần ở địa bàn chúng tôi xảy ra bão lụt, sạt lở đất thì bà con ở đồng bằng thường đem gạo, mắm, muối, áo quần, tiền... lên giúp đỡ. Bây giờ, bà con dưới đó đang gặp khó khăn, mình có gì thì hỗ trợ lại cái đó”.

Có thể thấy rõ, trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19, Chính phủ đã đồng hành với người dân bằng những chính sách hỗ trợ như gói an sinh xã hội cho nhiều nhóm đối tượng khó khăn, chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt khó. Người dân cả nước cũng đồng lòng với chủ trương của các cấp chính quyền, cùng chung sức, sẻ chia với người dân vùng dịch bằng những hành động nghĩa tình, tạo nên một Việt Nam kiên cường, từng bước khống chế, đẩy lùi “giặc” Covid-19.

Viết Lam - Văn Linh - Văn Đồng

Bình luận

ZALO