Biên phòng - Làng tôi chạy dọc theo hai bên bờ sông. Người làng bên này - bên kia sông qua lại thuận tiện nhờ chiếc cầu bê tông nho nhỏ mà vững chãi nối nhịp đôi bờ đã lâu. Bên chiếc cầu quê này, tuổi thơ tôi đã êm đềm chảy qua, gắn với bao niềm thương nỗi nhớ, nhất là vào những ngày hè oi ả!
Những ngày hè nắng như đổ lửa, lũ trẻ quê chúng tôi lại rồng rắn rủ nhau ra cầu tắm mát. Chúng tôi như những chú chim bói cá, chẳng biết sợ nước là gì. Đứa mới biết bơi thì mon men tắm nơi chân cầu gần bờ. Đứa đã bơi sành sỏi thì cứ thỏa thuê ngụp lặn quanh trụ cầu giữa sông. Chiếc cầu quê nhỏ bé, thấp là là mặt nước sông còn là nơi lý tưởng để lũ trẻ tinh nghịch chúng tôi đua nhau nhảy ùm xuống nước. Bọt nước trắng xóa tung lên, hòa cùng tiếng cười giòn tan, tiếng reo vang thật chẳng gì thích thú bằng!
Có những buổi chiều, khi đàn bò đang mải mê gặm cỏ nơi triền đê, lũ trẻ chúng tôi lại say mê với thú vui đi câu. Cần câu chỉ là những cành tre đơn sơ, dây câu và lưỡi câu cũng thường được tận dụng hay tự chế. Và nơi ngồi câu lý tưởng nhất ấy là dưới chân cầu quê. Là bởi chân cầu có bóng mát nên cá, tôm thường lượn lờ quanh đây để tránh nắng, kiếm mồi.
Và cũng bởi ngồi dưới chân cầu sẽ được tắm mắt trước dòng nước chậm trôi với nhịp sóng gợn lăn tăn, nghe mơn man từng làn gió nhẹ lướt trên mặt sông phả vào da thịt mát rượi. Chỉ cần kéo được một chú cá mương hay một chú tôm đất bung mình lên khỏi mặt sông là cả đám trẻ lại reo hò thích thú như mới có được một chiến lợi phẩm vô giá.
Chiếc cầu quê dù có dầu dãi nắng mưa qua tháng năm vẫn bền bỉ khom lưng gồng mình nối nhịp bờ vui. Mỗi lần nhìn chiếc cầu quê, tôi lại nghĩ đến tấm lưng cong cong của bố. Nhớ những năm 1990, cảnh nhà còn khốn khó, mình bố với chiếc xe đạp thồ thường ngang qua cây cầu này lên mạn trên mua khoai sắn về để bán. Giữa trưa, tôi thường đứng ở chân cầu bên kia đợi bố về để phụ đẩy xe hàng cho bố. Đôi chân bố bám trên mặt cầu rát bỏng, tấm lưng bố oằn xuống đẫm mồ hôi mới có thể đẩy cả một xe khoai sắn nặng trĩu qua cầu.
Lại nhớ thuở nhỏ còn theo mẹ như cái đuôi, tôi thích được nắm tay mẹ, lon ton theo sau, cùng mẹ tới nhà ngoại. Nhà ngoại ở bên kia sông, nhờ có chiếc cầu quê mà qua lại cũng gần. Cứ qua cây cầu, theo lối mòn bờ sông đi bộ chừng 2 cây số nữa là tới được nhà ngoại. Mỗi lần cùng mẹ qua cầu, tôi thường đứng nán lại trên cầu một chút, chẳng những để có thể mở rộng lồng ngực hít một hơi thật sâu không khí mát lành, mà còn có thể thu vào mắt mình cảnh dòng sông uốn khúc, cảnh thuyền chài buông lưới, gõ mạn thuyền trên sông trông thật đã mắt.
Người làng tôi thời đó thường đùa rằng: “Không gian nơi cầu quê chẳng khác gì một thông tấn xã”. Là bởi sáng chiều, người làng thường ra chân cầu giặt giũ, xôn xao bao chuyện làng, chuyện nước. Với trai gái làng, nhịp cầu còn là không gian lý tưởng để hò hẹn, chuyện trò, nhất là vào những đêm trăng thanh gió mát. Thế rồi, cũng không ít người đã phải lòng nhau, nhịp cầu quê đã vô tình hay hữu ý nối duyên cho bao cặp đôi nên vợ, nên chồng... Để rồi, trong ký ức của người làng, dường như ai cũng ăm ắp kỷ niệm với nhịp cầu nho nhỏ này.
Cứ thế, nhịp cầu quê cũng như cây đa, bến nước, mái đình... từ lâu đã trở thành biểu tượng của làng, của hồn quê thân thuộc, bình dị mà thiêng liêng, khiến ai đi xa cũng khắc khoải nhớ về.
An Viên